Multimedia Đọc Báo in

IMF giải ngân đợt viện trợ thứ 2 trị giá 1,39 tỷ USD cho Ukraine

21:45, 05/09/2014
Bộ Tài chính Ukraine ngày 4-9 thông báo nước này đã nhận được 1,39 tỷ USD trong đợt giải ngân thứ hai của gói cứu trợ trị giá 17 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
 
Theo tuyên bố được đăng tải trên trang web của bộ trên, Ukraine sẽ dùng 1 tỷ USD trong đợt giải ngân lần này của IMF để tăng ngân sách nhà nước. Kiev vay khoản tiền này với lãi suất hàng năm là 3%.
 
Đây là đợt giải ngân thứ 2 từ chương trình của IMF nhằm giúp ổn định nền kinh tế và đồng hryvnia của Ukraine, vốn đang suy yếu sau nhiều năm quản lý yếu kém cũng như tình trạng bất ổn gần đây với lực lượng ly khai tại Crimea và miền Đông đất nước. Hồi tháng 4, IMF đã thông qua gói viện trợ tài chính trị giá 17 tỷ USD cho Ukraine. Đây là một phần trong chương trình cứu trợ quốc tế quy mô lớn dành cho Ukraine có tổng trị giá 27 tỷ USD, gồm cả Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu và các đối tác khác.  
Người dân Ukraine vượt qua biên giới để xin tị nạn tại Nga (Nguồn: Reuters)
Người dân Ukraine vượt qua biên giới để xin tị nạn tại Nga (Nguồn: Reuters)
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo Ukraine có thể cần được hỗ trợ thêm 19 tỷ USD nếu không thể chấm dứt xung đột ở miền Đông nước này vào cuối năm tới. Trong đánh giá đầu tiên về tiến độ Kiev tuân thủ chương trình cải tổ và khôi phục để đổi lấy gói cứu trợ 17 tỷ USD, Giám đốc IMF tại châu Âu, Poul Thomsen, nói rõ IMF ban đầu đánh giá xung đột ở Ukraine sẽ lắng dịu trong vài tháng tới nhưng thực tế dường như diễn biến ngược lại. Theo ông, sự sống còn của các chương trình cứu trợ Ukraine phụ thuộc rất nhiều từ phía các đối tác quốc tế khác. IMF cho biết thêm tổ chức này đã đồng ý nới lỏng điều kiện cứu trợ bằng cách cho phép chính quyền Kiev duy trì mức thâm hụt tài chính cao hơn đề xuất ban đầu của Ban Giám đốc IMF.
 
"Phao cứu sinh" 17 tỷ USD là trụ cột trong gói cứu trợ 27 tỷ USD mà các đồng minh nước ngoài tuyên bố sẽ dành cho Ukraine nếu ban lãnh đạo mới ở nước này thông qua những biện pháp nhằm kiểm soát chi tiêu nhà nước, đồng thời đưa Ukraine thoát khỏi nạn quan liêu và tham nhũng. Trong khi đó, những bất ổn ở Ukraine, vốn đã đẩy kinh tế nước này vào suy thoái từ giữa năm 2012, lại gia tăng do những căng thẳng với Nga đã khiến Moskva cắt đứt quan hệ thương mại với Kiev và buộc chính quyền Kiev phải chi rất nhiều tiền bạc cho chiến dịch quân sự ở miền Đông trấn áp lực lượng đòi liên bang hóa. Theo tính toán của IMF, tăng trưởng kinh tế của Ukraine giảm 6,5% và lạm phát tăng lên 19% trong năm nay do đồng hryvnia mất giá 40% so với đồng USD tính từ tháng 1 vừa qua. Đất nước 45 triệu dân này đang đối mặt nguy cơ không có khí đốt để sưởi trong mùa đông tới và tỷ lệ người thất nghiệp đã vượt khỏi vòng kiểm soát.
 
Trong một diễn biến khác, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa nhất trí hỗ trợ Ukraine hiện đại hóa lực lượng quân đội nước này thông qua khoản viện trợ quân sự trị giá 15 triệu euro (tương đương 19,4 triệu USD). Các nhà lãnh đạo của liên minh quân sự gồm 28 nước thành viên đã đạt được sự nhất trí trên tại hội nghị thượng đỉnh khai mạc ngày 4-9 tại xứ Wales, Vương quốc Anh.   
Lãnh đạo các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy và Ukraine họp riêng trước khi khai mạc hội nghị NATO - Ảnh: AFP
Lãnh đạo các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy và Ukraine họp riêng trước khi khai mạc hội nghị NATO - Ảnh: AFP
Trong ngày đầu tiên của hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO đã thảo luận với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về các giải pháp nhằm tăng cường sự hợp tác giữa NATO và Ukraine. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hối thúc Nga rút các binh sĩ khỏi Ukraine và ngừng hỗ trợ cho lực lượng đối lập. Nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ Chính phủ Ukraine, ông Rasmussen cho biết, sự viện trợ của NATO là nhằm mục đích hiện đại hóa các dịch vụ thông tin liên lạc cũng như năng lực của lực lượng quân đội Ukraine. Ông Rasmussen cũng đồng thời khẳng định, để thúc đẩy hợp tác giữa NATO và Ukraine thì cần phải cải cách lực lượng quân đội Ukraine theo những tiêu chuẩn của NATO.
 
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tổ chức tại Newport thuộc xứ Wales, Vương quốc Anh. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine, nguy cơ bất ổn do sự trỗi dậy của lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông và Bắc Phi là trọng tâm trong chương trình nghị sự của hội nghị. Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa phương Tây và Nga đang ở mức căng thẳng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Bước vào hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO cũng đã công khai mục đích của diễn đàn lần này là để phối hợp lập trường và sức mạnh nhằm gia tăng sức ép và cô lập Nga, do tình hình căng thẳng đang diễn ra tại Ukraine.
 
H.T ( tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc