Bất chấp Nga, Mỹ kích hoạt lá chắn tên lửa tại Romania
Hệ thống phòng thủ tên lửa hay còn gọi là "lá chắn tên lửa" của Mỹ tại châu Âu đã chính thức được "kích hoạt" vào ngày 12-5 bất chấp những cảnh báo từ Nga cho rằng động thái này đe dọa nền hòa bình ở khu vực Trung Âu.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đặt tại một căn cứ không quân ở Deveselu, miền Nam Romania, được đầu tư hàng tỷ USD. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho rằng việc kích hoạt hệ thống phòng thủ trên tại Romania - một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Âu, cho thấy "Mỹ đã có đủ khả năng để bảo vệ các đồng minh NATO tại châu Âu" .
Ông Carter giải thích Iran đang tăng cường khả năng về tên lửa đạn đạo, do đó Mỹ phải có bước đi đón đầu để ngăn chặn mối đe dọa này. Ông này cũng tuyên bố hệ thống lá chắn tên lửa không nhằm vào Nga và sẽ sớm được bàn giao cho Bộ Tư lệnh NATO.
Dự kiến, Mỹ cũng sẽ triển khai xây dựng một hệ thống phòng thủ tương tự tại Ba Lan từ ngày 12-5 và cơ sở này sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2018, tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho NATO, bổ sung cho các hệ thống radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải.
Binh sĩ Mỹ lắp đặt bệ phóng tên lửa Patriot ở Sochaczew, Ba Lan. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu được Mỹ khởi xướng từ thời cựu Tổng thống Ronald Reagan. Thời điểm đó, mục tiêu chính của kế hoạch là chống lại Liên Xô. Sau này, khi "Chiến tranh Lạnh" kết thúc, kế hoạch này bị gián đoạn một thời gian và được nối lại để phát triển dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush với mục đích mới là chống lại khả năng bị tấn công từ Iran. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt từ phía Nga.
Nga cho rằng kế hoạch của Mỹ và NATO bố trí các thành phần của hệ thống "lá chắn tên lửa" ở các nước Đông Âu, sát biên giới Nga, là nhằm đe dọa trực tiếp nước Nga. Moskva cho rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania vi phạm Hiệp ước thủ tiêu các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) được hai nước ký cách đây gần 30 năm.
Nga cũng tuyên bố việc Mỹ và NATO thực thi kế hoạch trên sẽ làm suy yếu an ninh của Nga và buộc Moskva phải áp dụng các biện pháp đáp trả để ngăn chặn mối đe dọa này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 12-5 khẳng định, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu là một mối đe dọa trực tiếp với an ninh và sự ổn định quốc tế. Nga đang cân nhắc các biện pháp kĩ thuật và quân sự để đáp trả.
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Zakharova nhấn mạnh, nhiều năm qua Nga rất quan tâm đến các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược. Các đề nghị hợp tác đã được đưa ra với NATO, phù hợp với những nguyên tắc giúp bảo vệ hữu hiệu khu vực khỏi các nguy cơ bên ngoài. Nga đang tiếp tục xem xét các hoạt động không tích cực của Mỹ và các đồng minh trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa. Đây là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh, ổn định của khu vực và quốc tế. Tình hình tại châu Âu sẽ trở nên phức tạp hơn vì điều này.
Dương Hà (Theo TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc