Thế giới lo ngại về những diễn biến chính trị ở Brazil
16:55, 14/05/2016
Sáng 13-5 theo giờ Hà Nội, Phó Tổng thống Brazil Michel Temer đã công bố thành phần nội các mới sau khi nhận được thông báo của Thượng viện trở thành Tổng thống lâm thời thay bà Dilma Rousseff.
Ông Michel Temer đã bổ nhiệm cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Henrique Meirelles làm Bộ trưởng Kinh tế. Tới đây, ông Meirelles sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhằm đưa quốc gia nền kinh tế số một Mỹ Latinh thoát khỏi cuộc suy thoái được cho là trầm trọng nhất kể từ năm 1930 tới nay. Chức Bộ trưởng Ngoại giao được giao cho ông José Serra, người của Đảng Xã hội Dân chủ Brazil (PSDB), đảng đối lập chính của bà Rousseff. Ông Eliseu Padilha, thành viên đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) của ông Temer, sẽ trở thành Chánh văn phòng Nội các.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, ông Temer bày tỏ tin tưởng rằng nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay với tình trạng suy thoái nghiêm trọng, bất ổn định chính trị và bê bối tham nhũng. Ông kêu gọi các đảng chính trị, lãnh đạo, tổ chức và người dân đoàn kết để khôi phục đất nước.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn truyền hình, bà Rouseff tiếp tục tố cáo những gì đang diễn ra ở nước này là một cuộc đảo chính và khẳng định sẽ chiến đấu đến cùng bằng mọi thủ tục pháp lý cần thiết để chứng minh sự vô tội của mình. Bà cũng kêu gọi những người ủng hộ đoàn kết và đấu tranh bằng các biện pháp hợp pháp. Bà cảnh báo những thành tựu xã hội mà nước Nam Mỹ đã đạt được trong suốt 13 năm cầm quyền của Đảng Lao động (PT) như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên và quyền được tiếp cận dịch vụ y tế và nhà ở của người dân đang bị đe dọa.
Sau 6 tháng nữa, Thượng viện Brazil sẽ lại nhóm họp dưới sự chủ trì của Chánh án Tòa án Tối cao liên bang Ricardo Lewandoswki và bỏ phiếu lần nữa để xem xét có chính thức bãi nhiệm Tổng thống Rousseff hay không. Trong trường hợp này, cần có ít nhất 2/3 nghị sỹ tương đương 54 trong tổng số 81 ghế tại Thượng viện bỏ phiếu thông qua để bãi nhiệm bà Rouseff và ông Temer trở thành Tổng thống chính thức. Cộng đồng thế giới đã bày tỏ lo ngại về những diễn biến chính trị gần đây tại Brazil, cho rằng điều này có thể đẩy Brazil rơi vào tình trạng bất ổn mới cũng như làm ảnh hưởng đến khu vực.
Ngay sau khi Thượng viện Brazil thông báo đồng ý mở một phiên luận tội đối với bà Dilma Rousseff với những cáo buộc vi phạm các luật ngân sách quốc gia, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi người dân Brazil bình tĩnh để đối thoại, đồng thời bày tỏ tin tưởng nhà chức trách nước Nam Mỹ này tôn trọng dân chủ và Hiến pháp.
Người biểu tình Brazil. Ảnh: CBC.ca. |
Tổng thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper cũng bày tỏ lo ngại về tình hình bất ổn ở Brazil có thể làm lây lan mối nguy hiểm cho khu vực, ảnh hưởng tới thể chế dân chủ ở Mỹ Latin. Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) Alicia Bárcena thì cho rằng quyết định của Thượng viện Brazil phức tạp và khó hiểu. Bà kêu gọi Brazil nỗ lực khắc phục khủng hoảng kinh tế và nhấn mạnh khi xảy ra khủng hoảng ở Mỹ Latin cơ cấu xã hội mất nhiều thời gian để phục hồi hơn so với các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Các Tổng thống Venezuela, Nicaragua, Bolivia, và Colombia đều bày tỏ tình đoàn kết với bà Rousseff. Tổng thống Colombia Manuel Santos nói: “Chúng tôi ủng hộ bảo tồn các thể chế dân chủ ở Brazil. Sự ổn định của Brazil cần được duy trì. Brazil là một quốc gia quan trọng ở khu vực. Bất cứ diễn biến gì xảy ra ở Brazil đều làm ảnh hưởng tới khu vực Mỹ Latin”. Chính phủ Cuba cũng bày tỏ tình đoàn kết với bà Rousseff và cáo buộc cơ quan lập pháp và tư pháp ở Brazil tiến hành đảo chính với sự ủng hộ của các thế lực phản động nhằm phá hoại những dự án chính trị của đảng Lao động (PT). Nhiều tổ chức và chính đảng ở Mỹ Latin cũng đã ra thông cáo và kêu gọi tuần hành thể hiện tình đoàn kết với bà Rousseff và phản đối phiên tòa xét xử bà này.
Là một quốc gia có sự phân hóa giàu nghèo rất lớn trong nhiều thập kỷ, Brazil đã có một sự chuyến biến đáng kể trong vòng 13 năm cầm quyền của Đảng Lao động với Tổng thống Rousseff và người tiền nhiệm Lula da Silva, với các chương trình xã hội giúp hàng chục triệu người thoát khỏi đói nghèo. Nhiều chuyên gia lo ngại Chính phủ mới của Brazil có thể đẩy lùi những tiến bộ này.
Khủng hoảng chính trị tại Brazil xảy ra đúng lúc nước này đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, mức tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua. Bên cạnh đó, nền kinh tế đầu tàu Mỹ Latin phải đối mặt với thâm hụt ngân sách cao, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10%, nợ công tương đương 65% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dự kiến năm nay, kinh tế Brazil sẽ lại tiếp tục suy thoái và ở mức âm 3,6%. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần 9 thập niên, kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc