Multimedia Đọc Báo in

Thủ tướng Áo Werner Faymann tuyên bố từ chức

07:41, 10/05/2016

Thủ tướng Áo Werner Faymann ngày 9-5 đã tuyên bố từ chức. Đây là thông tin được người phát ngôn Tổng thống đưa ra tại cuộc họp được triệu tập vội vào chiều 9-5.

Theo nguồn tin, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã nói rằng, Áo cần một Thủ tướng được toàn Đảng đứng sau ủng hộ. Chính phủ cần sức mạnh để có một sự khởi đầu mới.

Quyết định từ chức của ông Werner Faymann đưa ra trong bối cảnh ông đang phải chịu sức ép lớn từ các nghiệp đoàn công đoàn vốn chỉ trích chính sách được xem là hà khắc của ông đối với người di cư và tị nạn cũng như cách xử lý yếu kém của Đảng Dân chủ Xã hội (SPO) cầm quyền trong hoạt động bầu cử Tổng thống Áo diễn ra hai tuần trước.

Thủ tướng Áo Werner Faymann (Ảnh: Thierry Charlier (AFP)
Thủ tướng Áo Werner Faymann (Ảnh: Thierry Charlier (AFP)

Như vậy, sau gần 8 năm, Áo sẽ có một Thủ tướng mới sau khi ông Werner Faymann thông báo bỏ mọi chức vụ hiện nắm giữ, trong đó có cả chức Chủ tịch đảng SPO mà ông lãnh đạo từ tháng 8-2008.

Trong vài năm qua, SPO đã lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Tại cuộc bầu cử Tổng thống ngày 24-4 vừa qua, ứng cử viên của đảng này, ông Rudolf Hundstorfer chỉ giành được 11% số phiếu ủng hộ và đứng ở vị trí thứ 4.

Áo hiện được xem là một trong số quốc gia có luật tị nạn hà khắc nhất trong Liên minh châu Âu (EU), với việc Chính phủ Áo có thể ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, theo đó sẽ cấm mọi trường hợp xin tị nạn ở khu vực biên giới và người tị nạn sẽ bị đưa trở lại “một quốc gia láng giềng an toàn”. Trong năm nay, Áo đã áp đặt mức trần tiếp nhận không quá 37.500 người.

Chính quyền Áo đang thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống rào chắn dài 370 mét ở đèo Brenner, tuyến đường huyết mạch nối giữa Italy và Áo, nhằm giảm bớt dòng người di cư từ Italy tràn sang nước này.

Người di cư chờ xe buýt sau khi vượt qua biên giới Áo-Slovenia. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người di cư chờ xe buýt sau khi vượt qua biên giới Áo-Slovenia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với hơn 28.500 người di cư đến từ ngày 1-1, Italy một lần nữa trở thành cửa ngõ chính cho người di cư tới châu Âu sau thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai, cùng với trước đó là việc đóng cửa tuyến đường Balkan từ Hy Lạp. Italy không chỉ lo ngại việc Áo đóng cửa biên giới khiến người di cư mắc kẹt tại Italy mà còn lo ngại những hậu quả kinh tế có thể xảy ra.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã tuyên bố rằng việc Áo xây rào chắn tại biên giới với Italy sẽ là một "thảm họa chính trị" cho châu Âu. Ông Juncker nhấn mạnh tuyến đường qua dãy núi Alpine là hành lang giao thông chính của châu Âu và là con đường chính nối phía Bắc và Nam châu lục này, vì vậy, bất kỳ biện pháp cản trở nào tại đèo Brenner sẽ không chỉ gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng mà còn kéo theo hậu quả chính trị nặng nề. Ông Juncker cũng bày tỏ quan ngại hành động của Áo sẽ khiến nhiều nước khác ở châu Âu phản ứng bằng cách cũng đóng cửa biên giới.

Hà Dương (Theo VOV, Vietnam+)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.