Multimedia Đọc Báo in

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chia rẽ sâu sắc vụ Mỹ tấn công Syria

19:54, 08/04/2017

Theo đề xuất của Nga, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đêm 7-4 đã nhóm họp để thảo luận vụ Mỹ dội tên lửa Tomahawk vào Syria.

Chia rẽ sâu sắc

Cuộc họp một lần nữa cho thấy sự bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên Liên hiệp quốc trong việc giải quyết cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm qua tại Syria. 

Tại cuộc họp, Mỹ đã đe dọa có thêm hành động quân sự ở Syria sau vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào một căn cứ không quân tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley nêu rõ: “Như tôi đã cảnh báo, khi cộng đồng quốc tế không thể hành động tập thể khi đó các quốc gia sẽ buộc phải có hành động của riêng mình. Mỹ sẽ không dung thứ cho việc sử dụng vũ khí hóa học. Đây là một trong những vấn đề nằm trong lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và chúng tôi sẽ ngăn chặn sự lan rộng và việc sử dụng vũ khí hóa học”.

Nga đề xuất HĐBA LHQ họp khẩn về vụ tấn công của Mỹ vào Syria. Ảnh: UN.
Nga đề xuất Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc họp khẩn về vụ tấn công của Mỹ vào Syria. (Ảnh: UN)

Cũng theo Đại sứ Haley, hành động của Mỹ là “hoàn toàn chính đáng” sau vụ tấn công bằng khí độc ở Syria. Đại sứ Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế mở ra một giai đoạn mới tại Syria, hướng tới “một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột bi thảm này”.

Anh và Pháp đã bày tỏ sự ủng hộ về cuộc không kích của Mỹ ở Syria. Đại sứ Anh tại Liên hiệp quốc Matthew Rycroft chỉ trích việc Nga bỏ phiếu phủ quyết tổng cộng 7 nghị quyết của Liên hiệp quốc về vấn đề Syria. Theo ông Matthew Rycroft, nếu như Nga không bỏ những lá phiếu phủ quyết đó thì Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã phải đương đầu với các lệnh trừng phạt và bị xét xử. “Anh ủng hộ các cuộc không kích của Mỹ tại Syria vì các hành vi tội ác chiến tranh cần phải lãnh hậu quả. Các cuộc không kích của Mỹ là phản ứng hợp lý nhằm giải quyết nỗi thống khổ nhân đạo ở Syria. Đây cũng là nỗ lực của chúng ta nhằm cứu thêm mạng sống của nhiều người và cũng là để  bảo đảm những hành động như vậy sẽ không bao giờ xảy ra”, ông Matthew Rycroft nói.

Trong khi đó, Đại sứ Pháp tại Liên hiệp quốc François Delattre tuyên bố các cuộc không kích của Mỹ là phản ứng hợp pháp vì đây là “hành động cần thiết để ngăn chặn Tổng thống al-Assad. 

Về phía Nga, Phó Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vladimir Safronkov đã kịch liệt lên án cuộc tấn công mà ông cho là bất hợp pháp của Mỹ nhằm vào Syria, đồng thời cảnh báo rằng hành động leo thang chiến tranh này của Mỹ có thể gây ra những hậu quả “cực kỳ nghiêm trọng” đối với sự ổn định của khu vực và quốc tế.

Theo Phó Đại sứ Nga, hành động của Mỹ còn phá hỏng những tiến triển gần đây trong các cuộc hòa đàm cho Syria do Liên hiệp quốc dẫn đầu. Ông Vladimir Safronkov cũng cho rằng vụ tấn công của Mỹ tại Syria còn nhằm mục tiêu làm xao lãng sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào những thương vong của dân thường tại Iraq vào Syria do các hành động đơn phương của Mỹ gây ra.

Sự thay đổi trong chính sách của Mỹ hay "lời đánh tiếng" với các bên

Theo Abcnews.go.com, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định không kích tại Syria là một sự thay đổi bất ngờ đối với một vị tổng thống vốn lâu nay thường lên tiếng cảnh báo trước việc Mỹ can dự sâu hơn vào một trong những cuộc xung đột bạo lực nhất trên thế giới này. 

Khi tuyên bố về cuộc không kích đêm 6-4, Tổng thống Trump cho rằng động thái này vẫn nằm trong khuôn khổ của chương trình nghị sự chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết”. Theo ông Trump, Mỹ có “lợi ích an ninh quốc gia thiết yếu” trong việc ngăn chặn sự phát triển của các loại vũ khí hóa học mà Washington cho rằng Chính phủ Syria đã sử dụng nhằm vào dân thường hồi đầu tuần này. 

Mặc dù tuyên bố như vậy, nhưng những hành động của Tổng thống Trump, ít nhất là với trường hợp không kích Syria, cho thấy rõ ràng sự thay đổi trong quan điểm của ông Trump về vai trò của Mỹ trên thế giới. 

Ông Trump không phải là vị tổng thống đầu tiên xem xét lại quan điểm sau khi đảm trách điều hành lực lượng quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, với sự thay đổi lớn chỉ trong vòng 77 ngày trên cương vị tổng thống, trường hợp của ông Trump có thể là một trong những sự thay đổi nhanh nhất trong lịch sử cận đại Mỹ. 

Ngoài thông điệp đến Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cuộc không kích cũng là một tín hiệu đối với Nga và Iran, nước ủng hộ chính của Syria, cũng như đối với Trung Quốc, nước mà Mỹ cho rằng chưa hành động đủ để ngăn chặn tham vọng theo đuổi hạt nhân của Triều Tiên. Tổng thống Trump đã ra lệnh thực hiện không kích trong bối cảnh đang tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida, khi mà Washington và Bắc Kinh đều đang phải vật lộn tìm cách đối phó với các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Tên lửa Tomahawk của Mỹ phóng về phía Syria. Ảnh: Hải quân Mỹ
Tên lửa Tomahawk của Mỹ phóng về phía Syria. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Trong ngắn hạn, quyết định của Tổng thống Trump khi đưa Mỹ can dự sâu hơn vào cuộc xung đột ở Syria đã đem lại cho ông những tràng pháo tay cổ vũ từ chính đảng Cộng hòa của ông. 

Ngay cả một số nghị sĩ đảng Dân chủ đã không phản ứng gì, một tín hiệu cho thấy cả hai đảng đã bất bình về việc Mỹ không hành động gì ở Syria như thế nào. Thượng nghị sĩ hàng đầu của Đảng Dân chủ tại Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ Jack Reed cho rằng: “Câu hỏi lúc này là những hậu quả và phản ứng là gì, và các kế hoạch và mục tiêu lâu dài và chiến lược của tổng thống là gì khi bàn về sự can dự của Mỹ ở Syria”.

Xét về dài hạn, những ngụ ý về sự thay đổi chính sách bất ngờ của ông Trump (đối với Syria) vẫn rất khó đoán biết. 

Kevin Kellems, một chiến lược gia đảng Cộng hòa từng làm việc trong chiến dịch tranh cử của ông Trump cho rằng Tổng thống Trump đã giành được sự chú ý từ rất nhiều người vốn hoài nghi về ông, cả ở trong nước và nước ngoài, tuy nhiên, ông Kellems đã không bình luận về tốc độ và tính chính xác đối với quyết định không kích của ông Trump.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)



 


Ý kiến bạn đọc