Mỹ không kích quân đội Syria: Bước đi đơn phương nguy hiểm
Khoảng 4 giờ sáng 7-4 theo giờ địa phương, quân đội Mỹ đã bắn khoảng 50 quả tên lửa Tomahawks từ tàu hải quân ngoài Địa Trung Hải vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria, trong đó có đường băng, kho nhiên liệu tại căn cứ không quân Homs. Mỹ cho rằng, các máy bay tại căn cứ này đã sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công ngày 4-4 vừa qua tại Idlib, Syria.
Nguồn tin quân sự của Syria tại Damascus cho biết chỉ khoảng một nửa số tên lửa Tomahawk mà Mỹ dùng để tấn công vào sân bay Shayrat rạng sáng 7-4 là đến được đích. Hậu quả vụ tấn công này khiến ít nhất 15 máy bay chiến đấu bị phá hủy hoặc hư hỏng, các thùng nhiên liệu bốc cháy. Cho đến nay, có tin sáu dân thường đã thiệt mạng, chưa kể một phi công của quân đội Syria hy sinh và một số phi công khác bị thương.
Cảnh hoang tàn sau vụ tấn công của Mỹ vào Syria. (Ảnh: ABC News) |
Đã có nhiều phản ứng trái chiều sau khi Mỹ bắn tên lửa từ tàu khu trục hải quân vào miền trung Syria đêm 7-4. Phía Syria cho rằng đây là hành động xâm lược và cổ vũ cho khủng bố. Trong khi đó một số nước đồng minh của Mỹ thì bày tỏ sự ủng hộ hành động này.
Trong một tuyên bố trên truyền hình sau vụ tấn công, người đứng đầu quân đội Syria nói rằng: “Quân đội Mỹ đã xâm lược vào sáng sớm nay. Quân đội Syria sẽ đáp trả hành động gây hấn này để bảo vệ người dân Syria và tiêu diệt các phần tử khủng bố, khôi phục an ninh, an toàn cho tất cả người dân”.
Phía Syria cho rằng, “hành động này của Mỹ là sai lầm và làm suy yếu các hoạt động chống khủng bố của quân đội Syria. Mỹ đã là đối tác với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mặt trận al-Nusra và các tổ chức khủng bố khác ngay từ ngày đầu cuộc chiến ở Syria và tấn công các căn cứ quân sự của Syria”. “Mỹ cố gắng biện minh cho hành động xâm lăng này với lý do quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học mà không biết sự thật và gửi các thông điệp sai cho các nhóm khủng bố làm cho họ kiên trì trong việc sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai bất cứ khi nào”.
Người đứng đầu quân đội Syria cũng khẳng định hành động của Mỹ là chống lại tất cả các luật, các chuẩn mực quốc tế và tìm cách gây ảnh hưởng đến khả năng quân đội Syria trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga, Viktor Ozerov cho biết các cuộc tấn công của Mỹ vào căn cứ không quân Syria có thể làm suy yếu các nỗ lực chống khủng bố. Ông Ozerov nói rằng Nga sẽ kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bàn về vụ tấn công này. Nga cho rằng, cuộc tấn công này là một hành động xâm lược của Mỹ chống lại các nước thành viên Liên hiệp quốc đồng thời lưu ý rằng sự hợp tác giữa Nga và quân đội Mỹ tại Syria có thể bị ngừng vì tấn công tên lửa này của Mỹ.
Đồng minh khu vực quan trọng nhất của Syria là Iran cũng đưa ra phản ứng ngay sau đó. Iran bảy tỏ sự lên án vụ tấn công của Mỹ nhằm vào căn cứ quân sự của Syria và cho rằng đó là hành động phá hoại và nguy hiểm.
Hãng thông tấn Iran ISNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Bahram Ghasemi nói rằng, Iran lên án việc sử dụng vũ khí hóa học nhưng đồng thời cho rằng việc sử dụng vũ khí hóa học như là một cái cớ để hành động đơn phương là nguy hiểm và vi phạm luật pháp quốc tế. Iran cực lực lên án bất kỳ cuộc tấn công đơn phương. Điều này càng khiến cho tình hình Syria và khu vực thêm phức tạp.
Israel, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ là ba nước đồng minh của Mỹ trong khu vực có phản ứng sớm nhất sau vụ việc này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Syria là thông điệp răn đe mạnh mẽ đối với Iran và CHDCND Triều Tiên, đồng thời khẳng định hoàn toàn ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump và sẽ hỗ trợ đầy đủ cho Mỹ trong cuộc chiến ở Syria. Cơ quan tình báo nước này cũng đã được thông báo trước về cuộc tấn công này và đã hoàn toàn ủng hộ.
Nguồn tin ngoại giao Saudi Arabia cho biết, nước này sẽ hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Mỹ chống lại các mục tiêu quân sự ở Syria. Saudi Arabia ngày 7-4 cho rằng chế độ của ông Assad phải chịu trách nhiệm về vụ nổ bom hóa học ở Idlib Syria hôm 4-4 vừa qua.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump có các hành động chống lại chế độ Assad và ám chỉ rằng nước ông sẵn sàng hỗ trợ nếu cần thiết. Ông Erdogan cũng bày tỏ sự hối tiếc vì đã sự hỗ trợ Nga và chế độ Assad. Tổng thống Erdogan bác bỏ thông tin Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới cuộc tấn công hóa học ở Idlib, nhấn mạnh rằng một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học là không thể được chấp nhận trong bất kỳ tình huống nào. Các nước phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc chính phủ Syria đã thực hiện một cuộc tấn công hóa học ở thành phố Khan Sheikhun, trong khi đó Syria và Nga phủ nhận nó.
Có thể nói, hơn 50 quả tên lửa Tomahawk mà quân đội Mỹ tấn công một căn cứ không quân của Syria rạng sáng 7-4 có thể ví như một mồi lửa, không chỉ làm chao đảo quốc gia Trung Đông vốn chìm trong bạo lực này, mà còn kích hoạt “thùng thuốc súng” của những mâu thuẫn giữa các bên và các cường quốc trên thế giới trong vấn đề Syria.
Căng thẳng đang leo thang với tốc độ khó lường khi cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, với sự hỗ trợ của cả Nga và Mỹ, vẫn chưa có hồi kết và các vòng đàm phán hòa bình ở cả Geneva (Thụy Sĩ) lẫn Astana (Kazakhstan) nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này đã bước sang năm thứ 7 mới chỉ dừng lại ở những cam kết trên giấy. Cuộc xung đột Syria có nguy cơ ngày càng trầm trọng và các bên liên quan có thể lâm vào thế đối đầu.
Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Porter (DDG 78) bắn tên lửa từ Địa Trung Hải ngày 7-4. (Ảnh: EPA/TTXVN) |
Quyết định của Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công căn cứ quân sự của chính quyền Syria bằng tên lửa hành trình được Washington giải thích là để "đáp trả" một vụ tấn công nghi có sử dụng vũ khí hóa học ở ở Idlib hôm 4-4, làm hơn 80 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Mỹ và các nước phương Tây một mực đổ lỗi cho quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường, trong khi Bộ Quốc phòng Nga khẳng định quân đội Syria đã không kích trúng kho vũ khí hóa học của phe đối lập nước này.
Bất chấp cho tới thời điểm này chưa có bất kỳ kết quả điều tra chính thức nào về nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học trên, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cũng chưa tìm được tiếng nói chung về một dự thảo nghị quyết liên quan đến việc điều tra vụ tấn công, song Mỹ đã đơn phương có hành động quân sự nhằm vào quân đội chính quyền của Tổng thống Syria Basha al-Assad.
Cùng với những thiệt hại đầu tiên cả về người và của tại Syria, vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ thực sự đã đẩy cục diện cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này vào thế nguy hiểm trong bối cảnh các vòng đàm phán hòa bình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria vẫn đang được cả Liên hiệp quốc, Nga, Mỹ... nỗ lực xúc tiến.
Triển vọng giải quyết hòa bình cuộc xung đột dai dẳng ở Syria lại trở nên xa vời khi phe đối lập ở nước này ngay lập tức hối thúc Mỹ tiến hành thêm các vụ tấn công tương tự nhằm vào quân đội Syria. Trong khi đó, chính phủ Syria kịch liệt lên án, coi các cuộc không kích bằng tên lửa của Mỹ vào các khu vực quân sự của nước này là phục vụ mục đích của "các nhóm khủng bố vũ trang" và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Một liên minh quốc tế chống khủng bố tại Syria, với sự tham gia của cả lực lượng chính phủ lẫn phe đối lập, cùng các đối tác quốc tế như Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran... đang được hình thành, có nguy cơ tan rã bởi những bất đồng phát sinh sau vụ tấn công của Washington.
Căng thẳng cũng nảy sinh giữa các nước có vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Cùng với một số nước phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ ủng hộ Washington, còn Nga và Iran ngay lập tức lên án hành động của Mỹ.
Trước khi Mỹ thực hiện vụ tấn công vào căn cứ quân sự ở Syria, Nga đã nhiều lần cảnh báo về những hậu quả tiêu cực nếu Mỹ tấn công quốc gia Trung Đông này. Giới lãnh đạo Nga nhấn mạnh đây là hành động khiêu khích, thể hiện "chính sách hai va chạm giữa lực lượng không quân Nga và Mỹ tham gia chống khủng bố ở Syria" của Mỹ cũng như việc Washington áp dụng "tiêu chuẩn kép."
Chưa rõ Mỹ có thể đạt được mục đích khi tiến hành tấn công quân đội Syria hay không, song rõ ràng hành động quân sự mới của Washington đang khiến bối cảnh khu vực thêm phức tạp, không chỉ Syria mà cả Trung Đông có thể rơi vào vòng xoáy bất ổn mới.
Như Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc