Các nước Mỹ Latinh trước nguy cơ "khủng hoảng kép"
Tổ chức Y tế thế giới (WHO)ngày 26-5 cho biết châu Mỹ đã trở thành tâm dịch Covid-19 mới của thế giới sau khi một nghiên cứu dự báo số ca tử vong ở một số nước trong khu vực tiếp tục tăng cho tới tháng 8.
Giám đốc phụ trách châu Mỹ của WHO và người đứng đầu Tổ chức y tế Bắc và Nam Mỹ Carissa Etienne cho rằng hiện chưa phải thời điểm để các nước ở châu Mỹ nới lỏng các biện pháp hạn chế sự lây lan của Covid-19. Khu vực châu Mỹ Latinh hiện đã vượt châu Âu và Mỹ về số ca nhiễm mới mỗi ngày.
Mặc dù bùng phát muộn hơn so với các khu vực khác khi ghi nhận ca mắc đầu tiên ngày 26-2, nhưng với tốc độ lây nhiễm sau 2 tuần lại tăng gấp đôi, tính tới thời điểm hiện tại, khu vực Mỹ Latinh đã trở thành "điểm nóng" của thế giới với hàng chục nghìn ca tử vong. Diễn biến dịch tại Brazil và Mexico, 2 quốc gia có dân số chiếm hơn 50% tổng dân số trong khu vực trên 630 triệu người, rất đáng lo ngại khi số ca nhiễm mới và tử vong tăng đột biến trong những ngày qua. Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở Brazil hiện chiếm trên 50% tổng số ca tại khu vực.
Nhân viên y tế giúp đỡ một bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Tegucigalpa, Honduras. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đặc điểm chung tại Brazil và Mexico là sự thiếu đồng nhất giữa chính quyền liên bang và địa phương trong chiến lược chống dịch và chính phủ hạ thấp cấp độ nguy hiểm của dịch bệnh. Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro luôn đi ngược lại các biện pháp phòng dịch mà các bang áp dụng và kêu gọi người dân quay trở lại làm việc bất chấp dịch bệnh lây lan mạnh. Bản thân ông Bolsonaro cũng bất đồng với các thành viên nội các về phương thức xử lý khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, khiến chỉ trong vòng 1 tháng nay đã có 2 bộ trưởng y tế bị miễn nhiệm hoặc từ chức.
Còn ở Mexico, quốc gia không triển khai các biện pháp cách ly bắt buộc ngoại trừ việc kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 31-5, tình hình dịch đang trong giai đoạn đỉnh điểm, với hàng nghìn ca tử vong. Tỷ lệ tử vong tại Mexico ở mức cao trên toàn cầu, một phần là do trên 70% dân số mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, tiểu đường, béo phì và thừa cân.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số ca mắc bệnh tại Mexico cao hơn nhiều so với con số được xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2, bởi Chính phủ Mexico không tiến hành xét nghiệm trên diện rộng mà chỉ xét nghiệm đối với những người có triệu chứng bệnh và dựa vào phương pháp dịch tễ học Sentinel để ước tính về số ca bệnh. Đáng lo ngại hơn, mặc dù chưa kiểm soát được dịch, Chính phủ Mexico đã lên kế hoạch mở cửa lại từng bước nền kinh tế trong tháng 5 này.
Khó khăn chồng chất khó khăn, khi mùa mưa đang tới, khu vực Mỹ Latinh còn phải đối mặt với một đại dịch không kém phần nguy hiểm so với Covid-19 là sốt xuất huyết. Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đánh giá mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng căn bệnh lo lắng nhất hiện nay ở Mỹ Latinh là sốt xuất huyết khi số ca nhiễm đang tăng mạnh và tiến triển theo cấp số nhân trong những năm gần đây.
Mỹ Latinh đang phải đối mặt với các thách thức to lớn về kinh tế - xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra. Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAl) của Liên hiệp quốc dự báo, GDP của khu vực sẽ tăng trưởng âm 5,3% trong năm nay do tác động của đại dịch Covid-19. |
Cuộc khủng hoảng y tế “kép” không phải là thách thức duy nhất ở một khu vực có tình trạng bất bình đẳng xã hội và tỷ lệ người nghèo cao hàng đầu thế giới như Mỹ Latinh. Hiện khu vực có khoảng 200 triệu người nghèo, chiếm 30,8% dân số, phần lớn làm việc trong lĩnh vực phi chính thức, không có bảo hiểm y tế và xã hội và vì vậy không thể tiếp cận các dịch vụ y tế.
Chính phủ các quốc gia Mỹ Latinh đang huy động mọi nguồn lực tài chính có thể cho cuộc chiến chống Covid-19 để giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xã hội. Đơn cử, Tổng thống Chile Sebastian Pinera ngày 17-5 đã công bố các biện pháp mới như phân phối 2,5 triệu giỏ thức ăn cho các gia đình có thu nhập thấp, thành lập hai tổ chức tài chính mới để tạo thuận lợi hơn cho các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ. Một quốc gia nghèo như El Salvador, chính phủ cũng trợ cấp 300 USD cho mỗi hộ gia đình có điều kiện khó khăn.
Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại bệnh viện ở Iquitos, Peru ngày 9-5. Nguồn: AFP/TTXVN |
Liên hiệp quốc dự báo Mỹ Latinh hiện ở giai đoạn đầu của một đợt suy thoái sâu rộng, trong bối cảnh cả khu vực đang chật vật giải quyết những khó khăn kinh tế. Tình hình tài chính của rất nhiều quốc gia khu vực hiện nay xấu hơn rất nhiều so với thời kỳ xảy ra cuộc khủng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhiều chính phủ đang lâm vào cảnh nợ nần khi mức nợ công trung bình của khu vực đã tăng từ 40% GDP lên tới 62% trong giai đoạn từ năm 2008-2019. Argentina mới đây đã vỡ nợ lần thứ hai trong vòng chưa đầy 20 năm, sau khi nước này không trả được 500 triệu USD tiền lãi cho khoản nợ trái phiếu của mình. Nền kinh tế Nam Mỹ này đang nợ 324 tỷ USD, tương đương khoảng 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Argentina vốn đã chìm trong suy thoái suốt hai năm qua, nhưng cuộc khủng hoảng đã trở nên trầm trọng hơn khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 21-5, cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 đã khiến 11,5 triệu người tại Mỹ Latinh rơi vào cảnh thất nghiệp. Số người thất nghiệp tại Mỹ Latinh hiện đã tăng lên gần 38 triệu người
Các chuyên gia lo ngại rằng tình hình dịch bệnh không được kiểm soát và khó khăn kinh tế càng làm suy yếu khả năng chống chọi của khu vực Mỹ Latinh trước Covid-19, nếu chính phủ các nước không có những biện pháp quyết liệt hơn, cũng như sự hỗ trợ tích cực của quốc tế.
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc