Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Vượt khó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động từ giữa năm 2012 với cơ sở vật chất khoa phòng chật hẹp, đội ngũ nhân lực hạn chế nhưng lượng bệnh nhân đến khám và điều trị đông nên luôn trong tình trạng quá tải. Do vậy, công tác chăm sóc và điều trị cho người bệnh gặp nhiều khó khăn.
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Trần Lan |
Khoa Ung bướu chỉ có 20 giường bệnh nhưng hằng ngày, ngoài việc tiếp nhận từ 10-15 bệnh nhân đến khám và điều trị, tại khoa còn có khoảng 60 bệnh nhân điều trị nội trú, thời kỳ cao điểm lên đến 80 trường hợp. Do luôn trong tình trạng quá tải nên việc 2 - 3 bệnh nhân phải nằm chung một giường hoặc thậm chí nằm điều trị trên băng ca đặt bên ngoài hành lang là không thể tránh khỏi. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2013, Khoa đã tiếp nhận điều trị 3.129 lượt bệnh nhân, hiệu suất sử dụng giường bệnh luôn vượt gấp đôi, gấp ba số giường hiện có. Theo Bác sĩ chuyên khoa I. Nguyễn Đăng Giáp, Trưởng khoa Ung bướu, từ khi thành lập đến nay, Khoa Ung bướu luôn trong tình trạng quá tải, một số trường hợp phải chuyển tuyến hoặc xin về nhà do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện điều trị. Bên cạnh những thiếu thốn về vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh thì việc điều trị cho bệnh nhân ung thư gặp khó khăn do hạn chế về nhân lực, đặc biệt là thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu. Trước thực trạng đó, lãnh đạo Sở Y tế, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho phép cơi nới, xây dựng thêm phòng và tăng thêm 30 giường bệnh tại khoa. Đồng thời, các y, bác sĩ đã nỗ lực rút ngắn thời gian điều trị nội trú, tăng cường điều trị giảm nhẹ đối với bệnh nhân giai đoạn cuối (giai đoạn bệnh quá nặng, không thể can thiệp bằng thuốc và các máy móc hiện đại) ngay tại nhà để bệnh nhân không phải nhập viện... Nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh và phòng làm việc của nhân viên y tế. Chính vì vậy, đội ngũ y, bác sĩ làm việc tại khoa phải thường xuyên chịu áp lực lớn về sự quá tải bệnh nhân cũng như môi trường, bởi bệnh nhân ung bướu điều trị nội trú phần lớn đều sử dụng phương pháp trị liệu liên quan đến hóa chất. Điều dưỡng Nguyễn Thị Bạch Đào cho hay: “Có ngày một điều dưỡng truyền hóa chất cho 11 bệnh nhân. Mặc dù biết việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, trong khi chế độ độc hại thấp (6.000 đồng/người/ngày) nhưng với mong muốn góp phần giúp người bệnh giảm bớt đau đớn do bệnh tật và kéo dài sự sống, các điều dưỡng luôn thực hiện đầy đủ quy trình điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ”.
Về lâu dài, để nâng cao chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân ung thư, Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Trường Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Theo dự kiến, khi Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đi vào hoạt động, trên cơ sở cũ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ tách thành Bệnh viện Sản - Nhi và Bệnh viện Ung bướu, với sự đầu tư trang thiết bị, đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn sâu… hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là bệnh nhân ung bướu”.
Yến Ngọc – Hương Xuân
Ý kiến bạn đọc