Multimedia Đọc Báo in

Trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện liên tục tăng

10:08, 08/07/2013

Tuy chưa phải là đỉnh của dịch sốt xuất huyết (SXH), song những ngày này, số trẻ mắc SXH trên địa bàn đang tăng mạnh. Điều đáng quan ngại là đa số các ca bệnh nhập viện đều ở được chẩn đoán SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo trở lên…

Theo thống kê của Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ ngày 10-6 đến đầu tháng 7, số trẻ mắc SXH vào viện điều trị tại khoa liên tục gia tăng. Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Nhi cho biết: “Trong vòng 20 ngày qua, khoa tiếp nhận 38 trường hợp trẻ mắc SXH vào điều trị. Con số này cao gấp 1,3 lần so với tổng số trẻ mắc bệnh vào viện trong hơn 5 tháng đầu năm (từ đầu năm đến ngày 10-6 khoa tiếp nhận 29 trường hợp mắc SXH). Như vậy, tính trong 6 tháng đầu năm 2013, khoa Nhi tiếp nhận 67 trường hợp trẻ mắc SXH, cao hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2012. Trong số các ca bệnh nhập viện có đến trên 50% là SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo trở lên (trước đây SXH được chia thành 4 độ I, II, III, và IV, còn hiện nay Tổ chức Y tế thế giới phân thành 3 loại: SXH Dengue, SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo và SXH Dengue có dấu hiệu nặng) mà khi đã nằm ở mức có dấu hiệu cảnh báo thì chuyển sang nặng rất nhanh. Đặc biệt đã có trường hợp bệnh nhân tái sốc lần 2. Ngày 3-7, có 15 trường hợp SXH đang điều trị tại Khoa Nhi thì tại phòng cấp cứu Nhi đã chiếm đến 6 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp sốc và tái sốc lần 2”.

Bé Yến Nhi  được  theo dõi  tại  phòng  cấp cứu của  khoa Nhi  sau khi  tái sốc  SXH lần 2.
Bé Yến Nhi được theo dõi tại phòng cấp cứu của khoa Nhi sau khi tái sốc SXH lần 2.

Việc trẻ mắc SXH nhập viện điều trị với các triệu chứng nặng, sốc và tái sốc đã khiến không ít phụ huynh lo lắng. Chị Lưu Thị Phượng (trú tại TP. Buôn Ma Thuột), mẹ của bé Đỗ Thị Yến Nhi, 4 tuổi, bệnh nhân mắc SXH đang điều trị tại Khoa Nhi chia sẻ: “Lúc ở nhà cháu bị sốt liên tục 1 ngày 1 đêm, tôi cho cháu uống thuốc hạ sốt nhưng không bớt liền đưa vào viện. Ban đầu bác sĩ chẩn đoán là sốt siêu vi, nhưng sau đó, tay cháu nổi những nốt đỏ và được chẩn đoán là bị SXH. Đã trải qua 5 ngày điều trị, nhưng bệnh tình của cháu vẫn chưa thuyên giảm, thậm chí đã bị sốc đến 2 lần…”. Chị Phượng cũng cho biết: “Ở nhà tôi dọn dẹp vệ sinh rất kỹ, cháu vẫn ngủ màn tránh muỗi đốt nhưng không hiểu vì sao lại bị SXH”. Cũng giống như chị Phượng, khá nhiều phụ huynh có con mắc SXH đang điều trị tại khoa Nhi đều cho biết chăm sóc con rất chu đáo, khi ngủ đều mắc màn kể cả ban ngày nhưng trẻ vẫn bị SXH. Mặc dù rất lo lắng khi con mắc bệnh SXH, song một số ít phụ huynh khi được hỏi về công tác vệ sinh môi trường sống phòng bệnh SXH của gia đình lại thản nhiên cho rằng diệt muỗi, lăng quăng là việc của ngành y tế !

Đứng trước tình hình bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng diễn ra phức tạp, Khoa Nhi đã thường xuyên tổ chức quán triệt phác đồ điều trị của Bộ y tế, tăng cường công tác hướng dẫn theo dõi chăm sóc bệnh nhân SXH, hằng ngày giao ban Khoa kíp trực phải báo cáo tổng số ca SXH nhập viện và diễn biến các ca đang điều trị. Đội ngũ y bác sĩ của khoa luôn sẵn sàng đối phó với các tình huống xảy ra. Bác sĩ Nguyễn Đức Toàn, bác sĩ điều trị tại Khoa Nhi cho biết: “Bệnh SXH bùng phát mạnh trong vòng 1 tháng trở lại đây, các ca bệnh vào viện bị sốc SXH tương đối cao so với những tháng trước đó. Vì vậy, khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi đều chẩn đoán kỹ để phân loại ngay từ đầu. Với những ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo chúng tôi luôn theo dõi sát để xử lý kịp thời khi xảy ra sốc, tái sốc hoặc bệnh trở nặng…”. Song song với việc chuẩn bị tốt về mặt chuyên môn, Khoa Nhi còn tăng cường thêm các máy móc hỗ trợ công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân SXH. Đặc biệt, khi có những ca bệnh khó cần hỗ trợ về chuyên môn, khoa Nhi còn hội chẩn liên viện với tuyến chuyên môn cao hơn là Bệnh viện Nhi đồng I và Bệnh viện Nhi đồng II  để giảm áp lực trong vấn đề điều trị, hạn chế chuyển tuyến và giảm bớt thể bệnh cũng như chi phí cho người bệnh. Với cách làm hiệu quả này, từ đầu năm đến nay, chưa có ca bệnh SXH nào phải chuyển lên tuyến trên và cũng chưa xảy ra trường hợp tử vong do SXH ở Khoa Nhi.

Theo dự báo, trong các tháng còn lại, nhất là cao điểm vào tháng 9, tháng 10, bệnh SXH sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó, bác sĩ Tuấn khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, bởi nếu phòng bệnh tốt thì lượng bệnh nhân SXH sẽ giảm đi và tất nhiên là nguy cơ bệnh nặng, tử vong do SXH cũng sẽ giảm. Tuy việc phòng bệnh vẫn là những biện pháp quen thuộc thường niên như: phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, loại bỏ các đồ phế thải bị ứ đọng nước… để loại trừ khả năng sinh sản của muỗi, song nếu người dân không tích cực tham gia thì vô tình sẽ khiến cho dịch SXH tại địa phương diễn biến phức tạp thêm.

Kim Oanh 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.