Multimedia Đọc Báo in

Tự tay làm lấy một số loại thuốc nam

19:51, 20/09/2014
Rất đơn giản, ngay tại căn bếp của gia đình, chúng ta cũng có thể tự tay làm lấy một số loại thuốc Nam thông dụng có tác dụng phòng và chữa bệnh:

Trần bì: chính là vỏ quýt lâu năm (theo các sách thuốc xưa thì phải để vỏ quýt 7 năm mới thành vị trần bì, nhưng hiện nay chỉ cần vỏ quýt để được trên 6 tháng là được coi là trần bì). Làm vị thuốc này rất dễ, chỉ cần giữ lại vỏ quýt sau khi ăn, rửa sạch, sau đó xỏ sâu lại bằng chỉ, cột lại, phơi chỗ râm mát (tránh mất tinh dầu) và treo ở chỗ khô ráo thoáng mát trong 6 tháng. Khi cần dùng lấy xuống ngâm rửa sạch, bỏ hết xơ trắng, sắc nước uống. Trần bì là một vị thuốc long đờm, trị ho rất hiệu quả, ngoài ra nó còn phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Theo kinh nghiệm nên dùng vỏ quýt Lai Vung  vừa an toàn, vừa hiệu quả hơn các loại quýt của Trung Quốc.

Long nhãn nhục: là cơm nhãn phơi hoặc sấy khô. Nhãn mua về cả chùm để nguyên vỏ, nhúng vào nước sôi 1-2 phút, ngày phơi, đêm sấy trong 42 giờ cho đến khi khô vừa phải (lúc lắc thấy quả nhãn thấy kêu lóc cóc) thì bóc vỏ, bỏ hạt, lấy cùi đem sấy cho đến khi cầm không dính tay là được. 1 kg nhãn tươi sẽ cho ra 100 g long nhãn nhục. Long nhãn nhục vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ máu, an thần, tăng trí nhớ, chữa thần kinh suy nhược, mất ngủ, hay quên, thiếu máu, ngày dùng 10 g.

Ngải diệp: chính là lá ngải cứu. Cây ngải cứu rửa sạch, tước lấy lá riêng phơi trong râm mát cho đến khi khô gọi là vị ngải diệp. Ngải cứu là vị thuốc thông dụng trong cả Đông và Tây y, được đưa vào dược điển nhiều nước, chủ yếu làm thuốc điều kinh. Ngoài ra ta còn có thể dùng vị ngải diệp vấn lại thành điếu hơ cứu vào những nơi đau trong bệnh phong thấp.

Ty qua: quả mướp già để khô gọi là xơ mướp (ty qua). Xơ mướp là vị thuốc thanh lương, hoạt huyết, thông kinh, giải độc, giảm đau, cầm máu trong bệnh trĩ; đặc biệt đối với bệnh phong thấp, xơ mướp có hiệu quả cao. Chế biến loại thuốc này rất dễ, chỉ cần mua về treo trong bếp khi cần lấy xuống cắt khúc rửa sạch bụi rồi dùng.

Hạt bí ngô: còn gọi là hạt bí đỏ. Khi nấu món bí đỏ ta không nên bỏ hạt đi mà nên giữ lại rửa sạch, phơi khô rồi rang với muối. Các nhà khoa học nghiên cứu đã xác định hạt bí ngô có các thành phần giúp cơ thể tăng khả năng tình dục, giúp nam giới chống bệnh ung thư tuyến tiền liệt, tăng chất lượng tinh trùng ở nam giới, tăng kích thước cũng như sự rắn chắc của vòng ngực.

Kê nội kim: chính là màng màu vàng phủ mặt trong mề gà. Mỗi khi làm gà chúng ta nên giữ lại, rửa cho sạch, phơi khô, treo lên giàn bếp tích trữ. Kê nội kim vị ngọt, tính bình vào hai kinh phế và tỳ, chữa ăn uống không tiêu, viêm ruột, khi dùng phải tẩm rượu sao lên, mỗi lần dùng 2-5 g.

Toan táo nhân: chính là nhân của hạt táo ta, khi ăn táo ta nên giữ hạt lại rồi rửa sạch, phơi khô, khi trữ được kha khá thì đem hạt ra đập lấy nhân bên trong, đem sao lên cho đen. Toan táo nhân vị ngọt, tính bình, vào kinh tâm, can, đởm, tỳ, có tác dụng an thần, chữa mất ngủ; mỗi lần chỉ cần dùng 15 hạt sắc uống  là đã có công dụng.

Nếu có trồng hoa nhài, hay hoa sứ ta cũng có thể hái hoa phơi vào trong râm mát cho khô đóng gói dùng dần. Hoa nhài pha nước uống có tác dụng an thần; hoa sứ khô chỉ cần dùng 3 g pha nước uống giúp hạ huyết áp.

Nếu mua gương sen tươi về dùng chúng ta có thể chế được nhiều loại thuốc nam. Gương sen (tên thuốc là liên phòng ) chữa trĩ đại tiện ra máu; khi dùng xé nhỏ sao cho cháy đen hòa nước uống. Hạt sen dùng tươi hay phơi khô để nấu chè có tác dụng an thần, chữa di tinh, suy nhược thần kinh. Tâm sen (gọi là liên tâm là phần chồi mầm bên trong hạt) có tác dụng chữa mất ngủ, di mộng tinh, ngày uống 4 g. Ngó sen vừa làm thức ăn, vừa chữa các chứng đi ngoài ra máu.

Râu ngô: mua vài bắp ngô về luộc ăn, chúng ta nên giữ lại râu ngô đem phơi khô để dành. Râu ngô được xem là loại thuốc bổ cho người nghèo vì nó chứa nhiều vitamin và vi chất.

Tô Hoàng Thái


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.