Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa tai biến mạch máu não

05:55, 23/08/2015

Tai biến mạch máu não (còn gọi là đột quỵ não) là bệnh xảy ra đột ngột, bất ngờ và dễ tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Trường hợp cứu chữa được thì người bệnh cũng không thể trở lại khỏe mạnh và linh hoạt như trước, thậm chí còn để lại những di chứng hết sức nặng nề, như: liệt nửa người, liệt toàn thân, nói ngọng, méo miệng hay sống đời sống thực vật… Bệnh không loại trừ bất kỳ đối tượng nào, do vậy, phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu để hạn chế bị tai biến mạch máu não.

Tai biến mạch máu não là hiện tượng tắc mạch máu trong não làm giảm đột ngột hoặc ngưng hoàn toàn việc cung cấp máu lên não, khiến cho các tế bào thần kinh bị tổn thương và chức năng hoạt động của các cơ quan này bị tê liệt trong thời gian dài, gây ra các di chứng bại liệt, méo miệng, mất giọng… Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, đứng hàng đầu trong bệnh lý tim mạch và cũng là nguyên nhân gây tàn phế. Theo các thống kê tại Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), từ đầu năm 2015 đến nay, khoa đã tiếp nhận gần 600 ca bệnh tai biến mạch máu não gồm nhồi máu não, nhũn não và xuất huyết não. Đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng méo miệng, liệt người, vận động khó và nói ú ớ không chuẩn. Còn tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) hiện đang điều trị cho khoảng 8 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não ở thể nặng, hôn mê sâu, suy hô hấp, huyết áp cao ác tính, trụy tim mạch và có nguy cơ tử vong cao. Ông Phùng Văn Nhân (60 tuổi, thường trú tại xã Ea Sô, huyện Ea Kar) bị tai biến mạch máu não hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh Phùng Văn Nhất, con trai ông cho biết: “Đang khỏe mạnh bình thường, bỗng nhiên bố tôi bị ngã, miệng méo, nói không nghe rõ tiếng nên gia đình đã chuyển bố đến bệnh viện. Mặc dù đã qua cơn nguy kịch nhưng hiện tại bố tôi vẫn bị liệt, mọi sinh hoạt cá nhân đều cần có người giúp”. Chị Bùi Kim Anh (35 tuổi, ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cũng vừa bị tai biến mạch máu não và để lại di chứng miệng méo, liệt một bên phải. Em gái chị cho biết: “Buổi trưa lúc ngủ dậy, chị gái tôi nói trong người khó chịu, choáng váng, chân tay bị tê. Gia đình vội vàng đưa chị đến bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ cho biết chị phải mất một khoảng thời gian dài để luyện tập thì các chức năng mới có thể phục hồi, tuy nhiên để bình thường hoàn toàn như trước là không thể”.

DSC02294.jpg
Một bệnh nhân bị tai biến mạch máu não đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Tai biến mạch máu não thường xảy ra bất ngờ, ngay cả ở những người khỏe mạnh. Có thể không có các triệu chứng báo trước nhưng một số trường hợp vẫn có các biểu hiện, như: đau đầu, choáng váng, buồn nôn, nôn, méo miệng, yếu, liệt tay chân một bên, tê hoặc mất cảm giác một nửa bên thân thể, nói ú ớ hoặc không nói được. Bệnh này, nếu phát hiện cứu chữa kịp thời thì có thể qua cơn nguy hiểm nhưng các di chứng mà tai biến mạch máu não để lại cho người bệnh hết sức nặng nề, đặc biệt là di chứng về vận động. Bệnh nhân có thể bị tàn phế suốt đời, không còn khả năng lao động và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”. Hậu quả nặng nề của bệnh tai biến mạch máu não khiến cho nhiều người cảm thấy lo lắng, nhất là hiện nay khi các tuyến bệnh viện cơ sở vẫn chưa trang bị và có đủ nhân lực để cấp cứu tai biến mạch máu não đúng chuẩn trong khi thời gian để cứu người bệnh được tính từng phút. Đó là chưa kể vẫn có rất nhiều người hiểu sai về căn bệnh này, họ nghĩ tai biến là do bị trúng gió nên nhiều trường hợp không được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, dẫn đến bệnh càng nặng hơn.

Có nhiều nguyên nhân gây ra đột quỵ, tuy nhiên, với những người có tiền sử bị cao huyết áp, tiểu đường, các bệnh lý về tim mạch thì tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, lối sống không lành mạnh, thường xuyên dùng bia rượu, thần kinh hay căng thẳng và lười vận động cũng là nguyên nhân dễ bị tai biến. Để tránh những hậu quả đáng tiếc của bệnh tai biến mạch máu não, mọi người cần phải có lối sống khoa học, lành mạnh: tăng cường hoạt động thể dục, thể thao, tạo cuộc sống vui tươi thoải mái, không hút thuốc lá và hạn chế sử dụng bia rượu nhằm làm giảm các yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch, như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì…

Đối với những người đã từng bị tai biến, ngoài việc tầm soát các yếu tố nguy cơ, cần phải kiểm tra thường xuyên lượng đường trong máu, tăng huyết áp, mỡ trong máu, đặc biệt tư tưởng phải luôn thoải mái, tránh suy nghĩ nhiều và thay đổi môi trường một cách đột ngột để ngừa bệnh tai biến mạch máu não tái phát.

Mỹ Hạnh - Quang Nhật


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.