Multimedia Đọc Báo in

Không thể chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

09:31, 30/07/2016

Khi chị Hoàng Thị Nguyệt (41 tuổi, trú tại thôn 2, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) tử vong vì bệnh sốt xuất huyết, thân nhân của chị cho biết rằng nguyên nhân là do chủ quan với bệnh sốt xuất huyết bởi chị Nguyệt bị sốt kéo dài đến 4 ngày mới nhập viện.

Ít ngày sau khi chị Nguyệt tử vong, cán bộ y tế xã Hòa Thuận và lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đến thăm gia đình và kiểm tra môi trường xung quanh nhà bệnh nhân thì phát hiện có quá nhiều vật dụng chứa nước là nguyên nhân cho muỗi sinh sản. Những nơi chứa nước này bằng mắt thường cũng có thể thấy được loăng quăng, bọ gậy và muỗi trú ngụ, sinh sản như thế nào. Các hộ dân xung quanh hầu như nhà nào cũng có chỗ cho nước đọng như: thau rửa, các dụng cụ chứa nước, vỏ dừa, các vật liệu phế thải... rải rác khắp nhà, trở thành nơi để muỗi đẻ trứng. Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Hòa Thuận, chỉ tính riêng từ đầu tháng 7 đến nay, toàn xã đã có gần 130 người mắc sốt xuất huyết. Sau khi phát hiện ổ dịch sốt xuất huyết từ giữa tháng 6, địa phương đã tổ chức nhiều đợt phun thuốc diệt muỗi, diệt bọ gậy... tại các hộ song tình hình dịch bệnh vẫn chưa được cải thiện bởi người dân vẫn rất chủ quan. Bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch rất nhanh tại xã Hòa Thuận, hiện nay thôn nào trong xã cũng có người mắc bệnh. Ông Phan Đăng Tiệp, người dân thôn 5, xã Hòa Thuận phản ánh: nhiều gia đình có 3 - 4 người cùng mắc bệnh nhưng chỉ tự uống thuốc tại nhà hoặc đến phòng khám tư nhân. Chỉ sau khi chị Nguyệt tử vong, người ta mới giật mình, chú ý hơn đến việc phòng bệnh...  

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 100 ca mắc sốt xuất huyết. “Điểm nóng” của dịch bệnh này được xác định là xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) và huyện Ea H’leo, 2 địa phương đang đứng đầu về số ca mắc sốt xuất huyết, chiếm 63% số ca mắc trong toàn tỉnh. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết: Bệnh sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, trong khi đó nhiều gia đình vẫn chủ quan, không chú ý diệt muỗi, loăng quăng – nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết. Nhiều người bệnh sốt xuất huyết thì tự điều trị tại nhà, hoặc tại các phòng khám y tế tư nhân, nơi không có đủ điều kiện, phương tiện chữa bệnh.

Để hạn chế được dịch bệnh này, ngành y tế tỉnh đang triển khai phun thuốc diệt loăng quăng tại những nơi đông dân cư, tuyên truyền vận động người dân vệ sinh môi trường sạch sẽ, ngủ phải mắc màn... Tuy nhiên, để việc phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả thì công tác tuyên truyền, thực hiện phòng chống sốt xuất huyết ở các địa phương phải đồng bộ; đặc biệt cần chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, vận động người dân phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch; khi bị sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời...

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc