Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Nâng cao ý thức của người dân về phòng chống bệnh dại

09:29, 02/05/2019

Trong đợt tiêm phòng dại cho chó, mèo vừa qua tại TP. Buôn Ma Thuột, Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, bám sát địa bàn để phấn đấu đạt chỉ tiêu 80% số chó, mèo nuôi trong các hộ dân được tiêm vắc xin dại.

Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột đặt mục tiêu tiêm 8.000 liều, phân bổ cụ thể cho từng đơn vị xã, phường, bắt đầu từ ngày 10-3. Trong suốt đợt tiêm phòng, cán bộ thú y xã, phường phụ trách địa bàn cùng đại diện ban tự quản các thôn, buôn, tổ dân phố phải đến từng hộ dân có chó, mèo để kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe, độ tuổi và tiêm vắc xin cho từng con. Mỗi vật nuôi đã tiêm vắc xin đều được cấp Giấy chứng nhận để ngành Thú y và người nuôi cùng theo dõi, tạo được sự tin tưởng và đồng thuận của người dân. Nhờ tích cực, chủ động, nhiều đơn vị hoàn thành sớm chỉ tiêu được giao, tiếp tục đăng ký thêm vắc xin để tiến hành đợt tiêm vét cho chó, mèo trên địa bàn. Trạm đã nhận thêm 500 liều vắc xin dại, triển khai cho cán bộ thú y xã, phường tiếp tục thực hiện tiêm cho chó, mèo theo nhu cầu của người dân đã đăng ký.

Cán bộ thú y phường Tân Lợi tiêm phòng cho chó tại gia đình chị Chu Thị Huệ.
Cán bộ thú y phường Tân Lợi tiêm phòng cho chó tại gia đình chị Chu Thị Huệ.

Tại phường Tân Lợi, công tác tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo đã vượt 200 liều so với chỉ tiêu, đạt 650 liều chỉ trong 1 tháng triển khai. Anh Đặng Xuân Hoan, cán bộ Thú y phường Tân Lợi nhận định, so với mọi năm, người dân đã có nhận thức cao hơn về việc chủ động phòng chống bệnh dại cho người và vật nuôi. Nhiều hộ đã chủ động tiêm phòng dại cho chó, mèo tại các cơ sở thú y và có sổ theo dõi. Cùng với số lượng vắc xin tiêm trong đợt này, ước tính tỷ lệ chó, mèo được tiêm vắc xin phòng dại tại phường đạt hơn 95%.

Chị Chu Thị Huệ (tổ dân phố 2, phường Tân Lợi) cho biết, gia đình chị hiện nuôi 3 con chó, trong đó có 2 con đã được tiêm vắc xin dại theo độ tuổi, còn 1 con chó trưởng thành đã được cán bộ thú y tiêm vắc xin trong năm trước, năm nay phải tiêm nhắc lại để đảm bảo chủng ngừa. Mặc dù với mỗi con chó, chị đều có sổ theo dõi để ghi chép đầy đủ các mũi tiêm, lịch tiêm, nhưng nhờ có cán bộ nhắc nhở và tiêm vắc xin dại tập trung, việc theo dõi sức khỏe đàn chó của chị thuận tiện hơn, không sợ bị quên hoặc bỏ sót mũi vắc xin quan trọng này. Còn tại gia đình ông Trịnh Xuân Trình (tổ dân phố 2, phường Tân Lợi) có đến 2 con chó và 3 con mèo được cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng dại. Ông Trình chia sẻ, qua các phương tiện truyền thông, ông được biết nhiều trường hợp đã tử vong do bệnh dại hoặc chẳng may bị chó, mèo cắn phải đi tiêm ngừa rất tốn kém. Vì vậy, được cán bộ thú y đến tận nhà tiêm vắc xin phòng dại cho chó mèo, ông rất yên tâm.

Ông Trịnh Xuân Trình (bên phải) tiêm phòng vắc xin dại cho tất cả chó, mèo của gia đình.
Ông Trịnh Xuân Trình (bên phải) tiêm phòng vắc xin dại cho tất cả chó, mèo của gia đình.

Trên thực tế, tại các khu vực dân cư trong đô thị, người dân đã có nhận thức cao về mức độ nguy hiểm của bệnh dại và chủ động phòng tránh bệnh dại trên vật nuôi. Song tại khu vực nông thôn, vùng ven thành phố, nhiều người dân vẫn không quan tâm đúng mức đến việc tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo. Trong khi đó, đa số chó, mèo tại khu nông thôn đều thả rông, tiềm ẩn nguy cơ lớn cho cộng đồng cũng như gây khó khăn cho cán bộ thú y trong việc theo dõi, vận động chủ vật nuôi tiêm vắc xin phòng dại. Chẳng hạn, những năm gần đây, công tác tiêm vắc xin phòng dại trên chó, mèo tại xã Cư Êbur và Ea Kao luôn gặp trở ngại. Khi cán bộ thú y đến nhà tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân tỏ thái độ thiếu hợp tác, không nhốt, xích vật nuôi khiến công tác tiêm phòng gặp khó khăn. Trong đợt tiêm vắc xin lần này, mặc dù Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp tại địa bàn, kết hợp với xe loa tuyên truyền lưu động của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, song số liều vắc xin đã tiêm tại 2 địa bàn này chỉ mới đạt rất thấp.

Ông Hoàng Anh Dũng, Phó trưởng trạm phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố cho biết, Trạm hiện vẫn đang tiếp tục đề nghị thành phố có giải pháp hỗ trợ kinh phí tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi tại các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Kao vì địa bàn này nằm cách xa khu vực trung tâm, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Trạm cũng đề nghị UBND các xã, phường tích cực tuyên truyền và áp dụng chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo để giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh dại cho chính mình và cộng đồng.

Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột cho biết, toàn địa bàn có khoảng 12.000 con chó, mèo. Trạm đã tổ chức tiêm vắc xin dại cho 8.700 con, trong đó có 200 con tiêm vét trong đợt tháng 12-2018. Cùng với số lượng chó, mèo người dân chủ động đưa đến các cơ sở thú y để tiêm vắc xin dại, tỷ lệ chó, mèo đã tiêm phòng dại đã vượt chỉ tiêu 80% mà thành phố đặt ra.

Minh Thuận – Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.