Multimedia Đọc Báo in

Quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng: Còn nhiều khó khăn

06:20, 25/03/2021

Bệnh không lây nhiễm là các bệnh mãn tính, như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư…

Các bệnh này có thời gian điều trị kéo dài, bệnh không khỏi hẳn nhưng lại tiến triển chậm và gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu chiếm khoảng 70% tổng số các trường hợp tử vong hằng năm.

Để giúp người dân kịp thời phát hiện bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng, từ nhiều năm qua, Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk (CDC), đã triển khai chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm bằng việc tổ chức các đợt khám sàng lọc ở các xã trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tập trung ở một số xã có điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá đi lại khó khăn, xa cơ sở y tế; tổ chức quản lý, điều trị cho người mắc bệnh không lây nhiễm; triển khai hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống bệnh không lây nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách của trung tâm y tế, trạm y tế về hướng dẫn dự phòng, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh không lây nhiễm; hướng dẫn triển khai sinh hoạt câu lạc bộ tăng huyết áp; hướng dẫn xây dựng kế hoạch hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm… Đồng thời, để phát hiện bệnh không lây nhiễm, trong hoạt động khám chữa bệnh hằng ngày, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh thường kết hợp tổ chức khám sàng lọc, nếu nghi ngờ dấu hiệu mắc các bệnh như: đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính… sẽ giới thiệu lên tuyến trên để chẩn đoán xác định và có hướng dẫn điều trị bệnh phù hợp.

Người dân kiểm tra huyết áp tại Trạm Y tế xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông).    Ảnh: Đình Thi
Người dân kiểm tra huyết áp tại Trạm Y tế xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông). Ảnh: Đình Thi

Theo bác sĩ Nguyễn Lê Kim Huệ, Phụ trách Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, hầu hết các bệnh không lây nhiễm phải dùng thuốc suốt đời. Vì vậy, việc triển khai công tác quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm ngay tại trạm y tế xã, phường là hiệu quả nhất, không chỉ giúp người bệnh kiểm soát tốt bệnh lý mà còn giảm chi phí đi lại, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên… Như trường hợp ông Chu Đình Nghĩa (60 tuổi, ở xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) mắc bệnh tăng huyết áp từ hơn 10 năm nay. Trước đây, khi Trạm Y tế xã Ea M’nang chưa triển khai việc cấp thuốc tăng huyết áp định kỳ, hằng tháng con cháu trong nhà phải phân công nhau đưa ông Nghĩa đến bệnh viện huyện khám và nhận thuốc định kỳ, mất nhiều thời gian và phiền hà. Còn bây giờ, định kỳ hằng tháng, ông chỉ cần đến Trạm Y tế xã Ea M’nang kiểm tra chỉ số huyết áp và lấy thuốc về nhà điều trị. Ông Nghĩa chia sẻ: “Trạm Y tế xã cấp thuốc huyết áp định kỳ thuận lợi rất nhiều cho người bệnh. Tuy nhiên, thuốc điều trị tăng huyết áp không phải lúc nào ở trạm cũng có đầy đủ nên đôi khi tôi vẫn phải lên tuyến trên nhận thuốc”.

Thực tế hiện nay việc quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng còn những khó khăn nhất định. Số bệnh nhân được quản lý tại cơ sở y tế rất thấp so với số lượt người được phát hiện bệnh hằng năm. Theo thống kê của Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, tính đến tháng 9-2020, toàn tỉnh có 299.555 bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Số thực tế được phát hiện thông qua các hoạt động tầm soát bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng là 91.396 bệnh nhân; tuy nhiên tổng số bệnh nhân đang được quản lý điều trị tại các bệnh viện và trạm y tế là 79.204 bệnh nhân (riêng quản lý tại trạm y tế chỉ có 22.292 người). Đối với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản, tổng số bệnh nhân được phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh là 5.433 người, trong đó tổng số bệnh nhân đang quản lý điều trị tại các cơ sở y tế là 4.239 người (riêng quản lý tại trạm y tế chỉ có 421 người).

Quản lý tốt bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng mới có thể giúp người dân điều trị hiệu quả các căn bệnh này, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm biến chứng cho bệnh nhân và giảm các trường hợp tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Lê Kim Huệ, nguyên nhân của tình trạng này, ngoài việc một số bệnh nhân không tự giác chăm sóc bệnh, không ý thức bệnh thì còn có nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thuốc và trang thiết bị. Một số thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường ở một số trạm y tế không có, hoặc nếu có thì cấp cho trạm chưa đủ số lượng, chủng loại còn ít; điều đó khiến công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng ở một số trạm y tế mới chỉ dừng lại ở khâu tư vấn, khám phát hiện. Cũng theo thống kê của Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, toàn tỉnh hiện chỉ có 71/184 trạm y tế có hai nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp; 27/184 trạm y tế có ba nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp. Trong số 61 trạm y tế đang triển khai cấp phát thuốc điều trị đái tháo đường thì mới có 14 trạm có hai nhóm thuốc điều trị đái tháo đường, 19 trạm y tế có máy thử đường máu mao mạch. Riêng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và bệnh hen phế quản có tỷ lệ bệnh nhân được quản lý tại các trạm y tế rất thấp bởi cán bộ trạm chưa được tập huấn về dự phòng, thiếu trang thiết bị cho chẩn đoán và điều trị như: máy đo chức năng hô hấp đạt chuẩn, dụng cụ filter lọc khuẩn… Thêm vào đó, do thiếu kinh phí nên hoạt động truyền thông chưa được bao phủ rộng rãi, dẫn đến người dân trên địa bàn chưa hiểu rõ về tác hại cũng như cách phòng tránh bệnh không lây nhiễm; một số người dân có tâm lý không muốn điều trị ở tuyến dưới, tự ý mua thuốc điều trị cũng gây khó khăn cho công tác quản lý…

Thiết nghĩ, để tháo gỡ khó khăn, chính quyền các địa phương cần có kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế, mua sắm máy móc, trang thiết bị cũng như hoạt động giám sát công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.