Cẩn trọng với bệnh viêm loét giác mạc
Viêm loét giác mạc là tình trạng tổn thương giác mạc của mắt nói chung, trong đó viêm là mức độ nhẹ chỉ tình trạng trầy xước, nhiễm trùng ở bề mặt của giác mạc, còn loét là mức độ nặng chỉ tình trạng viêm hoại tử lan sâu vào các lớp phía trong tạo thành ổ loét trên giác mạc. Bệnh khá phổ biến trong cộng đồng, tỷ lệ mắc ở nam giới lớn hơn nữ giới (65 - 70%). Nếu không chú ý chữa trị đúng cách, bệnh có thể trầm trọng, gây mù lòa.
Tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, số bệnh nhân đến khám và điều trị viêm loét giác mạc thường tăng cao vào những thời điểm nông dân thu hoạch nông sản các loại. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chủ quan không chú ý phòng hộ trong quá trình lao động, bị cành cây, mảnh cỏ, hòn sỏi, đất đá... văng vào mắt làm trầy xước hoặc rách giác mạc; tạo điều kiện cho các tác nhân gây nhiễm trùng, viêm loét như vi khuẩn, vi rút (thường gặp nhất là herpes vi-rút) hoặc nấm phát triển.
Bệnh nhân khám mắt tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Đơn cử như trường hợp chị H’Dal Niê (56 tuổi ở xã Cư Né, huyện Krông Búk), trong lúc thu hoạch cà phê chị bị cành cà phê quệt trúng mắt phải. Ban đầu mắt chỉ cộm xốn, đau nhức nhẹ, nghĩ là không sao nên chị H’Dal chỉ rửa lại mắt với nước nhưng hai hôm sau mắt chị đỏ lên và đau nhức nhiều hơn. Do công việc bận rộn và tâm lý chủ quan nên chị tự đi mua thuốc nhỏ mắt và nhầm lẫn với đau mắt đỏ nên dược sĩ bán cho chị loại thuốc nhỏ có thành phần dexa (là chất kháng viêm gây ức chế miễn dịch, giảm khả năng đề kháng lại các tác nhân có hại của cơ thể). Sau khi dùng thuốc được ba ngày, mắt chị trở nên đau nhức nặng hơn, mi mắt sưng nề, tròng đen xuất hiện mảng trắng đục; lúc này chị mới đến khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và được chẩn đoán loét giác mạc do nấm. Vì đến trong giai đoạn muộn, có tổn thương nặng trên giác mạc nên cho dù được điều trị tích cực nhưng mắt phải của chị đã hoàn toàn mất đi thị lực.
Một nguyên nhân khác gây bệnh thường gặp ở giới trẻ là đeo kính áp tròng không đúng cách... Như trường hợp của chị Lý Thị Lan (20 tuổi, trú xã Cư Ni, huyện Ea Kar), vì bị cận và thường quên mang kính khi đi ra ngoài nên Lan chuyển qua dùng kính áp tròng để sinh hoạt thuận tiện hơn. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng Lan chưa biết cách đeo kính đúng cũng như giữ vệ sinh mắt, kính trước và sau khi đeo nên thường xuyên bị rát và đỏ mắt. Đến khám ở bệnh viện thì chị được chẩn đoán là viêm giác mạc do kính áp tròng gây trầy xước giác mạc.
Kiểm tra, chuẩn bị lấy dị vật trong mắt gây viêm loét giác mạc của một bệnh nhân. |
Bác sĩ Huỳnh Văn Tạo, Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh nhân bị viêm loét giác mạc thường cảm thấy cộm xốn, chảy nước mắt nhiều, cảm giác trong mắt luôn có dị vật khiến bệnh nhân dụi mắt liên tục. Đau nhức có thể âm ỉ kéo dài liên tục, trong trường hợp nặng có tăng nhãn áp kèm theo sẽ đau dữ dội lan lên nửa đầu. Mắt sợ ánh sáng, co quắp mi, đỏ mắt thường gây nhầm lẫn với viêm kết mạc. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh tiến triển rất nhanh gây sưng nề vùng mi mắt, xuất hiện ổ loét và mủ viêm trên giác mạc làm giảm thị lực; trường hợp nặng hơn có thể gây hoại tử thủng giác mạc. Khi ấy, bệnh khó điều trị và thời gian điều trị kéo dài; tỷ lệ tái phát cao nếu không được điều trị triệt để ngay từ đầu và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như sẹo giác mạc, loạn dưỡng giác mạc, teo nhãn, mất thẩm mỹ, giảm hoặc mất hoàn toàn thị lực, viêm lây lan ra các tổ chức khác của nhãn cầu... ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.
Viêm loét giác mạc hoàn toàn phòng tránh được nếu chúng ta biết cách chăm sóc và bảo vệ tốt cho đôi mắt của mình bằng những cách: Sử dụng phương tiện bảo hộ như kính, mũ, đồ bảo hộ... trong quá trình lao động, sau khi làm việc trong môi trường nhiều bụi bẩn cần rửa mắt với dung dịch nước muối sinh lí, nhỏ các loại nước mắt nhân tạo để hỗ trợ thêm cho mắt; ăn uống đầy đủ các loại thức ăn cung cấp các nhóm vitamin A, D, omega-3... để tránh tình trạng khô mắt. Không dùng tay dụi hoặc tự ý lấy dị vật khi có vật lạ xâm nhập vào mắt, không tự ý nhỏ các thuốc điều trị không đúng chỉ định của bác sĩ. Đeo kính áp tròng đúng cách, vệ sinh kính và mắt sạch sẽ trước và sau khi đeo, khi có tình trạng đỏ mắt, cộm xốn nhiều cần dừng đeo kính và đi kiểm tra ngay.
An Yên
Ý kiến bạn đọc