Multimedia Đọc Báo in

Vắc xin + 5K

16:15, 23/04/2021

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, sự xuất hiện thêm nhiều biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 khiến loài người luôn sống trong tình trạng lo lắng.

Từ khi đại dịch bùng nổ, nhiều quốc gia đã chạy đua với thời gian để tìm ra loại vắc xin khống chế căn bệnh này. Vắc xin phòng chống Covid-19 hiện được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu phòng ngừa, khống chế và tiến tới đẩy lùi đại dịch để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hơn một năm qua, người dân Việt Nam cảm nhận rõ rệt những tác động tiêu cực do đại dịch gây ra. Không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả cộng đồng, dịch Covid-19 còn kéo theo hàng loạt hệ lụy như: người lao động thất nghiệp, nền kinh tế suy thoái, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, trẻ em không được đến trường, người già gặp khó khăn trong việc chăm sóc y tế… Sau ba lần nỗ lực đấu tranh, chiến thắng đại dịch, hiện nước ta đang bước sang giai đoạn chống dịch mới đó là chủ động thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, gắn với thông điệp “Chung sống an toàn với đại dịch Covid-19”. Cùng với việc tuân thủ nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế là "khử khuẩn, khẩu trang, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế", hiện cả nước đã và đang sẵn sàng cho việc tiêm vắc xin.

Bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả hiện nay là phải sử dụng vắc xin để kiểm soát được sự lây lan và giảm số ca mắc và tử vong. Chiến lược dùng vắc xin bảo vệ con người khỏi tác động của dịch bệnh Covid-19 là một vấn đề cấp bách. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã phê duyệt hai loại vắc xin được sử dụng khẩn cấp để phòng Covid-19 là vắc xin SPUTNIK V của Nga và AstraZeneca của Anh.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhân viên y tế  tại Bệnh viện Ðức Giang (Hà Nội). Ảnh: NĐĐT
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Ðức Giang (Hà Nội). Ảnh: NĐĐT

Có thể nói, tiêm chủng vắc xin được xem là một trong những biện pháp an toàn và hiệu quả để phòng tránh nhiều bệnh truyền nhiễm. Có nhiều căn bệnh nguy hiểm đã được thanh toán, loại trừ nhờ có sự ra đời của vắc xin như bại liệt, uốn ván sơ sinh…. Hiện nay, vắc xin phòng Covid-19 đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Rất nhiều người dân mong chờ việc triển khai tiêm loại vắc xin này. Chị Chu Thị Vân (trú phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Việt Nam đã có vắc xin phòng bệnh khiến tôi cảm thấy yên tâm hơn. Sắp tới khi Đắk Lắk triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 vợ chồng tôi sẽ đi tiêm để phòng bệnh”. Còn chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) nói: “Dịch bệnh Covid-19 thực sự rất nguy hiểm và theo tôi việc tiêm phòng vắc xin là điều cần thiết. Mọi người nên ủng hộ để sớm chấm dứt dịch bệnh”.

Mặc dù hiệu quả phòng bệnh của vắc xin Covid-19 đã được nhiều quốc gia kiểm chứng, song theo các chuyên gia y tế, mọi người không nên coi vắc xin là vũ khí tuyệt đối trong phòng, chống đại dịch mà cần thực hiện song song thông điệp 5K của Bộ Y tế hay cụ thể hơn là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ “Chiến lược của chúng ta là vắc xin + 5K, không vì vắc xin mà chúng ta chủ quan”.

Giai đoạn đầu, cả nước đã tiếp nhận hơn 127.000 liều vắc xin phòng Covid-19, ưu tiên tiêm cho những đối tượng nguy cơ cao tại 13 tỉnh, thành phố có dịch. Đầu tháng 4-2021, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 811.000 liều vắc xin phòng Covid-19 do Cơ chế “Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19” (viết tắt là COVAX) tài trợ. Các tỉnh sẽ triển khai thực hiện theo Nghị quyết 21/NQ-CP, ngày 26-2-2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19. Theo đó, sẽ ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng, chống dịch (người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ...); quân đội; công an; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch…

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài trong 1 - 2 năm tới, khoảng 70% dân số toàn cầu nên được tiêm chủng để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Vắc xin phòng Covid-19 là vắc xin mới nhưng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khoa học chặt chẽ về độ an toàn và tính hiệu quả. Bác sĩ Trịnh Quang Trí cho biết, bất kỳ một loại vắc xin nào sản xuất ra đều phải tuân theo quá trình từ thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm trên động vật và thử nghiệm lâm sàng trên người rất nghiêm ngặt. Những vắc xin phòng Covid-19 đang được sử dụng đã được Tổ chức Y tế thế giới kiểm định nghiêm ngặt về độ an toàn và hiệu quả nên hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng.

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.