Multimedia Đọc Báo in

Sẵn sàng các điều kiện cho chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh

21:55, 23/04/2021

Để triển khai công tác tiêm chủng Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng lên kế hoạch và chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng tiếp nhận và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 hiệu quả theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trên 17 nghìn người được tiêm vắc xin Covid-19 trong đợt 1

Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1, tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận 17.050 liều vắc xin Covid-19 do Bộ Y tế phân bổ (gồm 15.700 liều được phân bổ theo Quyết định số 1821/QĐ-BYT của Bộ Y tế và 1.350 liều của lực lượng bộ đội, công an).

Theo kế hoạch, 17.050 người thuộc 3 nhóm đối tượng ưu tiên sẽ được tiêm trong đợt này. Các nhóm đối tượng này gồm: 7.317 người làm việc trong các cơ sở y tế; 8.255 người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp và người tham gia làm việc trực tiếp tại các khu cách ly tập trung, tự nguyện); 1.478 người thuộc Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Tất cả phải đáp ứng tiêu chí không có bệnh nền và dưới 65 tuổi.

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn chuyên môn cho các cán bộ thực hiện công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Với mục tiêu đặt ra có trên 95% đối tượng ưu tiên được tiêm chủng, tỉnh sẽ sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng có sẵn và triển khai thêm 2 mô hình điểm tiêm chủng an toàn tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột. Trong trường hợp cần thiết, Sở Y tế sẽ huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng tham gia.

Theo bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, công tác bảo quản, phân phối vắc xin cho các đơn vị đã được ngành Y tế chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo đúng quy định của Bộ Y tế. Hiện vắc xin đã có tại Trung tâm và được bảo quản ở kho lạnh. Ngay trong tuần này, Trung tâm sẽ phân bổ cho các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố để triển khai tiêm chủng. Kho lạnh tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật và dây chuyền lạnh tại các Trung tâm đảm bảo bảo quản vắc xin, cũng như theo dõi nhiệt độ 2-8OC suốt 24/24.

Sẵn sàng cho giờ G

Theo kế hoạch, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho 3 nhóm đối tượng ưu tiên trong đợt 1 sẽ bắt đầu từ ngày 24-4 và kết thúc vào ngày 5-5-2021.

Để công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, đúng đối tượng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các địa phương lập danh sách những người được tiêm đợt 1. Đồng thời tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ y tế tham gia công tác tiêm chủng tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhằm cập nhật thông tin, kiến thức cho người tham gia tiêm chủng về những đặc tính cần lưu ý của vắc xin AstraZeneca và cách sử dụng; hướng dẫn người được tiêm khai báo y tế; thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin; theo dõi sau tiêm; phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ sau tiêm; sử dụng phần mềm Hồ sơ sức khỏe toàn dân - báo cáo tiêm phòng vắc xin; xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức buổi tiêm...

ở Y tế họp với các  bàn phương án triển khai tiêm vắc xin Covid – 19
Sở Y tế họp với các ngành chức năng bàn phương án triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19

Tại mỗi điểm tiêm chủng sẽ bố trí ít nhất 3 nhân viên y tế, trong đó có 1 nhân viên y tế sàng lọc, 1 nhân viên y tế tiêm chủng vắc xin, 1 nhân viên y tế theo dõi đối tượng sau tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng cũng được bố trí theo quy tắc 1 chiều, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn, vị trí tiêm chủng để phòng, chống dịch theo thứ tự: khu vực chờ trước tiêm chủng; bàn đón tiếp, hướng dẫn, bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng; bàn tiêm chủng; bàn ghi chép, vào sổ tiêm chủng; khu vực theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng.

Với phương châm "tiêm đến đâu an toàn đến đó", Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức tiêm an toàn; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi sức khỏe; được hướng dẫn tiếp tục theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm; công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm luôn sẵn sàng; thông tin tiêm chủng của người đi tiêm được cập nhật, lưu trữ đầy đủ trong phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử…

Vấn đề giám sát và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng được ngành Y tế quan tâm. Bác sĩ Chuyên khoa II Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cho biết, nhân viên y tế khi thực hiện tiêm vắc xin cần lưu ý chuẩn bị tất cả phương tiện cũng như thuốc men để đề phòng xử lý những phản vệ bất lợi, nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời để đem lại hiệu quả cho đợt tiêm chủng lần này. Khi tiêm vắc xin cần phải chú ý những dấu hiệu của sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đó là các triệu chứng ở da hoặc đau bụng buồn nôn, có biểu hiện khó thở hoặc các biểu hiện bất thường khác.  

Đến thời điểm hiện tại, các điểm tiêm chủng trên địa bàn đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng triển khai tiêm chủng. Đơn cử tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, trong đợt 1 này có 440 người thuộc 3 nhóm đối tượng ưu tiên sẽ được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Theo ông Nguyễn Viết Hữu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, đơn vị đã thực hiện xong việc điều tra đối tượng, dự kiến sẽ tiến hành tiêm vắc xin phòng Covid-19 vào ngày 27-4. Để công tác tiêm vắc xin diễn ra an toàn, hiệu quả, Trung tâm đã chuẩn bị 4 bàn tiêm và bố trí lực lượng cán bộ y tế sẵn sàng phục vụ suốt quá trình triển khai tiêm.

Kim Oanh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.