Multimedia Đọc Báo in

Tiện ích với khai báo y tế điện tử bằng quét mã QR

08:20, 10/06/2021

Thời gian qua, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã nâng cao mức cảnh báo cao nhất; đồng thời thực hiện phân luồng, sàng lọc người đến làm việc, khám bệnh.

Tuy nhiên, với hàng trăm nghìn người đến, đi mỗi ngày, việc khai báo y tế bằng giấy mất khá nhiều thời gian, tiềm ẩn nguy cơ để lọt, sót trường hợp nghi mắc COVID-19, do vậy, ngay khi Bộ Y tế phát động khai báo y tế điện tử bằng quét mã QR, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã tiên phong áp dụng.

Khai báo y tế điện tử bằng QR-Code là hình thức kết nối liên thông, bổ sung, cập nhật cho kho dữ liệu phục vụ công tác phân tích, truy vết và dự phòng, cung cấp thông tin chính xác, hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19. Khai báo y tế bằng quét mã QR còn tạo thuận tiện cho người dân khi chỉ với một lần cài đặt duy nhất có thể thực hiện khai báo y tế ở tất cả mọi nơi đi và đến.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế. Ảnh: Quang Nhật
Người dân khai báo y tế điện tử tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Quang Nhật

Tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, song song với khai báo y tế bằng giấy, từ cuối tháng 3-2021 đơn vị đã triển khai khai báo y tế điện tử bằng quét mã QR. Bệnh viện đã phân công nhân viên kỹ thuật có mặt tại sảnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng và cách thức sử dụng. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Hiện nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 700 - 800 người. Nếu khai báo y tế bằng giấy, trung bình một người phải thực hiện khai báo từ 3 - 5 phút, sẽ mất tương đối nhiều thời gian. Giờ áp dụng khai báo y tế bằng quét mã QR, chỉ trong vòng vài giây là thực hiện khai báo xong, vừa nhanh vừa cho thông tin chính xác giúp bệnh viện quản lý thông tin hiệu quả hơn. Đây cũng là một hoạt động phân luồng, sàng lọc người bệnh khi đến khám bệnh tại các bệnh viện, góp phần giảm thiểu thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong bệnh viện”.

Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cũng đã triển khai việc khai báo y tế quét mã QR từ tháng 2-2021 ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Sở Y tế. Tại 4 cổng ra vào, bệnh viện đều bố trí nhân viên y tế hướng dẫn người dân sử dụng hình thức khai báo điện tử. Về quy trình thực hiện có hai hình thức. Đối với người có điện thoại thông minh - smartphone, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn tải phần mềm Vietnam Health Declaration, Bluezone hoặc Ncovi; sau đó khai báo các thông tin cá nhân (triệu chứng, yếu tố dịch tễ), hệ thống sẽ tự động trả lại một mã QR và sử dụng mã này để đăng ký vào viện và ra viện. Trong trường hợp người dân không có smartphone, bệnh viện đã trang bị sẵn một máy tính đặt ngay ngoài cổng lớn ra vào để người dân khai báo trên web. Sau khi khai báo xong nhân viên y tế sẽ in mã QR và người dân cầm mã đó để đăng ký vào viện và ra viện.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế. Ảnh: Quang Nhật
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế. Ảnh: Quang Nhật

Với khai báo y tế điện tử, việc lưu trữ thông tin người đến khám bệnh được đơn giản hóa và nhanh chóng hơn. Người đến khám bệnh chỉ cần khai báo lần đầu, hệ thống sẽ bảo mật lại thông tin gốc để những lần sau đến khám và khai báo y tế, không có biểu hiện mới thì kết quả sẽ tiếp tục bảo lưu, nếu có thay đổi thể trạng thì chỉ cần mất vài giây để khai báo lại. Việc triển khai ứng dụng khai báo y tế điện tử là mô hình thông minh giúp người bệnh có thể kiểm soát được tình trạng hiện tại của bản thân, góp phần vào công cuộc bảo vệ cộng đồng trước tình hình đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều tiện ích song hiện nay tại các cơ sở khám chữa bệnh, người đến khám phần lớn là người cao tuổi, kỹ năng sử dụng phần mềm, sử dụng điện thoại thông minh còn hạn chế, phải có người hướng dẫn thì mới làm được.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Phong, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Thiện Hạnh tiếp nhận từ 1.000 – 1.500 lượt người đến khám bệnh. Lượng bệnh nhân quá đông, bắt buộc bệnh viện phải bố trí nhiều nhân viên y tế thì mới hướng dẫn người dân khai báo y tế kịp thời. Để khắc phục khó khăn này, thời gian tới bệnh viện sẽ tăng cường truyền thông qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, website của bệnh viện để người dân biết và tự cài đặt phần mềm khai báo y tế tại nhà, khi đến khám bệnh chỉ cần quét mã, như vậy đỡ mất thời gian, hạn chế tụ tập đông người, góp phần phòng bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả. 

Mỹ Hạnh


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.