Multimedia Đọc Báo in

Chương trình “Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm có nguy cơ tại Việt Nam”: Góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ tại Việt Nam

09:26, 26/10/2010

Chương trình “Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm có nguy cơ tại Việt Nam” bắt đầu được triển khai ở nước ta từ giữa năm 2010 nhằm ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng cho những đối tượng có nguy cơ cao. Chương trình này sẽ góp phần cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em Việt Nam. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chương trình này, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, Phó trưởng Ban quản lý chương trình.

* Bà có thể giới thiệu vài nét về chương trình “Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm có nguy cơ tại Việt Nam”?

Bác sĩ Phạm Thị Hương (người bên phải) trả lời phỏng vấn của phóng viên.
Bác sĩ Phạm Thị Hương (người bên phải) trả lời phỏng vấn của phóng viên.
Chương trình “Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm có nguy cơ tại Việt Nam” là chương trình do Quỹ thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ Tây Ban Nha tài trợ cho Việt Nam thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF). Chương trình này bao gồm 2 hợp phần: Hợp phần An ninh lương thực do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện và Hợp phần Dinh dưỡng lồng ghép do Bộ Y tế thực hiện. Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đối phó với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao của nhóm có nguy cơ cao, nhất là các đối tượng bà mẹ, trẻ em thông qua việc cải thiện kiểm soát an toàn lương thực, dinh dưỡng và tình trạng sức khỏe, cải thiện khả năng cung cấp các dịch vụ dinh dưỡng và chăm sóc y tế, bao gồm: cải thiện việc nuôi con bằng sữa mẹ và cung cấp thực phẩm bổ sung, bảo đảm bổ sung đủ sắt, vitamin A và iốt…; đồng thời cải thiện an ninh lương thực thông qua việc tăng sản lượng thực phẩm vườn trại cùng với tăng cường và sử dụng thực phẩm chất lượng, an toàn. Chương trình còn là sự kết hợp giữa các chiến dịch ngắn hạn như khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và nuôi dưỡng trẻ nhỏ an toàn nhằm hướng đến các vấn đề hiện tại về suy dinh dưỡng với các chiến dịch dài hạn là cải thiện chất lượng bữa ăn thông qua việc cải thiện mùa màng và nguồn thực phẩm từ động vật. Chương trình sẽ được triển khai trong 3 năm (2010 - 2012) với tổng ngân sách là 3.500.000 USD ở cấp Trung ương và 6 tỉnh, thành phố có mức độ thấp còi cao nhất cả nước, gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Dak Lak, Kon Tum, Ninh Thuận và An Giang. Có thể nói, Chương trình “Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm có nguy cơ tại Việt Nam” sẽ góp phần cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và bảo đảm an ninh lương thực tại hộ gia đình cũng như ở cấp quốc gia giai đoạn 2010 – 2020, đồng thời, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ tại Việt Nam.

*Chương trình này được triển khai ở tỉnh ta như thế nào, thưa bà?
Như đã nói ở trên, chương trình “Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm có nguy cơ tại Việt Nam” được triển khai tại cấp trung ương và 6 tỉnh, thành có mức độ thấp còi cao nhất cả nước. Theo đó, ở cấp trung ương, các hoạt động sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nuôi con bằng sữa mẹ và bổ sung thêm vi chất; cải thiện hệ thống giám sát và đánh giá chương trình dinh dưỡng; thành lập hệ thống theo dõi bền vững để giảm tác động của khủng hoảng lương thực lên tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em. Còn ở cấp tỉnh, các hoạt động sẽ tập trung vào cải thiện kỹ năng của các cán bộ y tế trong việc tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ và cung cấp dinh dưỡng bổ sung cho phụ nữ ở tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi; tăng cường năng lực cho các cán bộ y tế trong điều trị và chăm sóc trẻ em suy dinh dưỡng nặng; cải thiện khả năng sản xuất thực phẩm của các hộ gia đình. Tại tỉnh ta, chương trình sẽ được triển khai thí điểm trên địa bàn 2 huyện Lak và Krông Bông với các mục tiêu cụ thể là tăng tỷ lệ cho bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho ăn bổ sung hợp lý; giảm thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; cải thiện việc chăm sóc và điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng vừa và nặng cân; cải thiện việc theo dõi, đánh giá chương trình dinh dưỡng. Và để hiện thực hóa các mục tiêu này, các hoạt động can thiệp chủ yếu của chương trình sẽ là: tiến hành điều tra, khảo sát dinh dưỡng tại cộng đồng dân cư; tổ chức truyền thông về nuôi con bằng sữa mẹ, bổ sung dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng nhằm nâng cao hiểu biết và thực hành của các nhóm đối tượng; đào tạo về tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, phương pháp chăm sóc Bà mẹ - Kanggaroo cho trẻ đẻ nhẹ cân, đẻ non và nuôi dưỡng trẻ nhỏ cho các cán bộ y tế và các tình nguyện viên dinh dưỡng tại cộng đồng; nâng cao năng lực cán bộ y tế địa phương trong việc tiến hành các hoạt động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng; đồng thời, đẩy mạnh nuôi con bằng sữa mẹ lồng ghép với kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc trước, trong và sau sinh; thiết lập kênh phân phối các vi chất bổ sung cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi thông qua mạng lưới y tế thôn buôn và các trạm y tế xã… 

* Theo bà, Ban quản lý sẽ có các biện pháp gì để bảo đảm tính hiệu quả của chương trình?
Chương trình nói trên sẽ được thực hiện phù hợp chặt chẽ bằng bảng kết hợp Khung kết quả (một kế hoạch làm việc tích hợp) với Khung kiểm soát chương trình (một bảng chi tiết cho các mục đích giám sát và đánh giá). Bảng này ghi rõ 5 thành quả của chương trình, bao gồm: các đầu ra, các mục tiêu, các chỉ số, cách thức kiểm tra và thu thập; các rủi ro và các giả thiết liên quan đến đầu ra. Những công cụ này sẽ giúp thực hiện các hoạt động đã được lập kế hoạch và sẽ cho phép giám sát việc thực hiện, đánh giá các đầu ra và đo lường các chỉ số. Trên cơ sở này, Ban quản lý chương trình của tỉnh cũng sẽ có các hoạt động giám sát đối với các nội dung được triển khai trên địa bàn. Với mỗi nội dung, việc giám sát đều gồm 2 phần là giám sát hỗ trợ và đánh giá kết quả đầu ra. Tức là, khi giám sát quá trình triển khai, nếu phát hiện thiếu sót chỗ nào, Ban quản lý chương trình sẽ hỗ trợ cơ sở chỉnh sửa ngay để việc thực hiện đi đúng trọng tâm; đồng thời, tiến hành đánh giá hiệu quả theo định kỳ đề ra.

*Xin cảm ơn bà!

Kim Oanh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc