Phản hồi từ bài báo "Chuyển đổi cây trồng không phù hợp, nợ lương lao động trên 10 tỷ đồng"
Sau khi báo phát hành, Công ty TNHH MTV Cà phê 715A đã có văn bản số 22 CV/CT ngày 4-10-2016 (do ông Nguyễn Công Huyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 715A ký, gửi Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk) yêu cầu đính chính thông tin mà bài báo đã đề cập.
Trước hết, Ban Biên tập Báo Đắk Lắk cảm ơn sự phản hồi của lãnh đạo Công ty. Song, để rộng đường dư luận, Báo Đắk Lắk đăng tải nội dung văn bản của Công ty TNHH MTV Cà phê 715A, đồng thời trao đổi thêm về một số thông tin liên quan.
Nội dung văn bản của Công ty TNHH MTV Cà phê 715A
Bài báo “Chuyển đổi cây trồng không phù hợp, nợ lương lao động trên 10 tỷ đồng” của tác giả Lê Thành, đăng trên Báo Đắk Lắk số 5287, thứ Tư, ngày 28-9-2016. Chúng tôi nhận thấy một số thông tin đăng trên bài báo không chính xác, thiếu khách quan, đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của tập thể lãnh đạo, ban điều hành Công ty, gây dư luận không tốt đối với cán bộ công nhân viên và người lao động, cụ thể:
1. Dự án phát triển 500 ha cao su, Công ty TNHH MTV Cà phê 715A lập năm 2011 đã được Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đồng ý chủ trương để đơn vị lập dự án phát triển cây cao su tại Công văn số:187/CV-HĐTV ngày 24-3-2011, Công văn số: 574/TCT-HĐTV ngày 7-7-2011 về việc đồng ý chủ trương chuyển đổi cây trồng và góp vốn liên kết cao su.
Nghị quyết Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cà phê Việt Nam số: 725/NQ-HĐTV ngày 24-8-2011, quyết nghị: Thống nhất chủ trương chuyển đổi cây trồng ở các khu vực cây cà phê không hiệu quả sang trồng cây cao su; trước mắt thực hiện tại các Công ty TNHH MTV Cà phê 715A, 715B, 715C. Về vốn: ưu tiên sử dụng vốn trong Tổng Công ty, của đơn vị, huy động của người lao động trong doanh nghiệp, liên kết với các đơn vị cùng sở hữu (Tập đoàn Cao su Việt Nam) và các tổ chức, cá nhân có tài chính. Nguyên tắc đảm bảo đất đai, vườn cây, tài sản do Công ty quản lý, chủ trương huy động vốn của cán bộ, công nhân viên phải được Đại hội công nhân viên chức thông qua, dự án được Tổng Công ty phê duyệt…
Như vậy: Việc huy động tiền vốn của cán bộ, công nhân viên bằng nguồn tiền nhàn rỗi và tiền công lao động chăm sóc cây cao su để tham gia dự án đã được Đại hội công nhân viên chức Công ty nhất trí thông qua. Tại sao nhà báo Lê Thành lại viết là nợ lương lao động được?.
2. Công ty có văn bản gửi Tổng Công ty Cà phê Việt Nam xin chủ trương tái canh 400 ha cà phê vối chứ không phải xin chủ trương của UBND tỉnh.
3. Mức thu sản bình quân, kéo dài thêm 2 năm 2016, 2017 là 2,6 tấn cà phê quả tươi/ha/năm chứ không phải 2,6 tấn nhân/ha/năm như báo nêu.
Thông tin đăng tải trên Báo Đắk Lắk đều có cơ sở
Chiều ngày 5-9-2016, phóng viên Lê Thành đến Công ty TNHH MTV Cà phê 715A liên hệ làm việc theo thông tin phản ánh của bạn đọc về việc Công ty chuyển đổi cây trồng thiếu phù hợp gây ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp địa phương. Phóng viên đã gặp trao đổi trực tiếp và được ông Nguyễn Công Huyên, Phó Giám đốc Công ty trả lời (có bản ghi âm lại) về vấn đề này.
Đối với nội dung văn bản của Công ty TNHH MTV Cà phê 715A về “Việc huy động tiền vốn của cán bộ, công nhân viên bằng nguồn tiền nhàn rỗi và tiền công lao động chăm sóc cây cao su để tham gia dự án đã được Đại hội công nhân viên chức Công ty nhất trí thông qua. Tại sao nhà báo Lê Thành lại viết là nợ lương lao động được?”. Trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông Huyên khẳng định: “Dự án cao su được Công ty triển khai trồng từ năm 2011 - 2013 thì tạm dừng do không đúng quy hoạch vùng trồng của tỉnh và thiếu vốn. Tổng chi phí đầu tư cho dự án này đến nay là trên 20 tỷ đồng, trong đó, Công ty đang nợ lương của người lao động khoảng 10 tỷ đồng”…
Về nội dung đề cập: “Công ty có văn bản gửi Tổng Công ty Cà phê Việt Nam xin chủ trương tái canh 400 ha cà phê vối chứ không phải xin chủ trương của UBND tỉnh”. Trước đó, phóng viên Lê Thành có làm việc với Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk và được ông Nguyễn Trí Hải, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết: Tại các cuộc họp chuyên ngành của huyện thì năm nào lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cà phê 715A cũng than vãn về chuyện làm ăn thua lỗ, cây trồng kém hiệu quả, mất mùa… Trong khi, Công ty này đứng chân trên địa bàn huyện nhưng không có đóng góp nghĩa vụ gì đối với địa phương. Vừa qua, Công ty này có trao đổi về việc tái canh cà phê, Phòng NN-PTNT huyện cũng đề xuất lên tỉnh nhưng chưa được phê duyệt. Tại cuộc trao đổi với phía Công ty TNHH MTV Cà phê 715A, ông Nguyễn Công Huyên cũng thừa nhận: “Công ty đã có văn bản xin chủ trương tái canh 400 ha cà phê vối nhưng chưa được nhất trí”…
Trong bài báo: “Chuyển đổi cây trồng không phù hợp, nợ lương lao động trên 10 tỷ đồng”, tác giả phản ánh về những sai phạm của Công ty TNHH MTV Cà phê 715A như đã nêu trên, chứ không đề cập sâu đến việc Công ty đang xin UBND tỉnh hay Tổng Công ty Cà phê Việt Nam để chuyển đổi 400 ha cà phê.
Liên quan đến nội dung phản ánh: “Mức thu sản bình quân, kéo dài thêm 2 năm 2016, 2017 là 2,6 tấn cà phê quả tươi/ha/năm chứ không phải 2,6 tấn nhân/ha/năm như báo nêu”, đây là sơ suất trong khâu xử lý thông tin của phóng viên, thực tế là 2,6 tấn quả tươi/ha/năm. Thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc.
Như vậy, những thông tin trong bài viết “Chuyển đổi cây trồng không phù hợp, nợ lương lao động trên 10 tỷ đồng” đăng trên Báo Đắk Lắk là đều có cơ sở, được đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cà phê 715A cung cấp. Nội dung buổi làm việc được phóng viên ghi âm đầy đủ trả lời của ông Nguyễn Công Huyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 715A. Báo Đắk Lắk thông tin về vụ việc để bạn đọc được biết.
Tòa soạn
Ý kiến bạn đọc