Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp kiến nghị - Cơ quan chức năng tỉnh trả lời (Tiếp theo và hết)

14:19, 15/07/2013

Sở Công thương

*Viễn thông Dak Lak phản ánh, những tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra tình trạng mất điện kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo giảm tỷ lệ mất điện, giãn lịch cắt điện, giảm thời gian mất điện xuống tối đa 4 giờ/ngày và ưu tiên những vùng có trạm phát sóng viễn thông.

Hằng năm, Sở Công thương đều tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản phê duyệt các khách hàng sử dụng điện quan trọng trên địa bàn tỉnh cần được cung cấp điện liên tục, hạn chế mất điện; trong năm 2012 và 2013, Viễn thông Dak Lak đã được UBND tỉnh đưa vào danh sách này. Về tình trạng một số nơi thường xảy ra mất điện trong những tháng đầu năm 2013 chủ yếu do ngành điện triển khai các dự án xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo lưới điện nên cắt điện để thi công; thời tiết gây sự cố; cắt điện sửa chữa, vệ sinh lưới theo kế hoạch.

Liên quan đến vấn đề này, Công ty Điện lực Dak Lak cho biết thêm: Toàn bộ số lần ngưng cấp điện đã được Công ty thông báo cho khách hàng trước 5 ngày theo quy định, trừ trường hợp bất khả kháng. Thời gian cắt điện dưới 4 giờ/ngày là không khả thi, rất tốn kém vì thời gian thao tác ngừng/đóng cung cấp điện theo quy trình mất nhiều thời gian; thời gian công tác trên lưới nhỏ hơn 4 giờ đồng hồ sẽ rất lãng phí lao động nên Công ty thực hiện ngừng cấp điện tối đa 8 giờ trong điều kiện bình thường. Đối với yêu cầu cấp điện ưu tiên cho các trạm phát sóng, hiện nay, các trạm phát sóng rất nhiều, không thể thực hiện ưu tiên cấp điện, hơn nữa, đối tượng ưu tiên cấp điện phải được UBND tỉnh phê duyệt.

*Hội DN huyện Kông Pak đề nghị Quản lý thị trường và các đoàn kiểm tra liên ngành giảm bớt tần suất kiểm tra hành chính để góp phần giảm bớt phiền toái cho DN.

Hiện nay, tình trạng DN gian lận thương mại, mua bán hóa đơn bất hợp pháp… diễn ra nhiều nơi, cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn giá cả và xử lý vi phạm. Đối với lực lượng Quản lý thị trường, ngoài việc triển khai kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch còn phải thực hiện theo chỉ đạo đột xuất của Bộ Công thương và UBND tỉnh nên công tác này phải thực hiện thường xuyên, liên tục, không thể giảm được. Chưa kể, mỗi năm có khá nhiều đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập để kiểm tra, kiểm soát thị trường theo chỉ đạo của cấp trên, và DN hoạt động trên nhiều lĩnh vực phải chịu sử kiểm tra của nhiều đoàn, nhiều nội dung là điều tất yếu. Cũng chính vì có nhiều đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập nên đôi khi xảy ra kiểm tra chồng chéo, gây phiền hà cho DN. Chi cục Quản lý thị trường đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có sự phối hợp chặt chẽ trong thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; trước khi thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phải xin ý kiến của Ban Chỉ đạo 127 tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh. Sở Công thương cũng đề nghị, hiện nay tỉnh đã có Đoàn kiểm tra liên ngành ổn định nên UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh giao nhiệm vụ kiểm tra thị trường tất cả các lĩnh vực cho Đoàn; chấm dứt tình trạng các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.

Công an tỉnh

*Hội DN huyện Krông Pak kiến nghị giảm bớt các chốt chặn dày đặc trên quốc lộ, tỉnh lộ.

Tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó có lỗi chở quá tải là khá phổ biến. Vì thế, việc tăng cường tuần tra kiểm soát giao thông để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm là cần thiết. Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ chấn chỉnh hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông; quy định trách nhiệm cụ thể của lực lượng cảnh sát giao thông huyện, thị xã, thành phố chỉ được dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm quả tang (phát hiện bằng trực quan), riêng xe chở quá tải thì giao cho lực lượng tuần tra của Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh xử lý.

*Viễn thông Dak Lak phản ánh tình trạng trộm cắp, xâm hại đến mạng lưới viễn thông trên địa bàn diễn biến phức tạp, đề nghị các ngành chức năng có biện pháp xử lý, ngăn ngừa.

Trước thực trạng này, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy chế, chỉ thị về phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực viễn thông; hướng dẫn DN viễn thông về công tác phòng ngừa, bảo vệ; chủ động phối hợp với Viễn thông Dak Lak khảo sát, lắp đặt các thiết bị cảnh báo, xây dựng, triển khai các phương án mật phục, bắt quả tang các đối tượng trộm cắp cáp viễn thông … Nhiều vụ cắt trộm cáp viễn thông có tính chất phức tạp, thiệt hại lớn đã được điều tra làm rõ.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm này, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường biện pháp nghiệp vụ, nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá; phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án lập án điểm, xét xử lưu động các vụ có tính chất ngiêm trọng; phối hợp tốt với các DN viễn thông tuần tra, bảo vệ hạ tầng an ninh thông tin. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp, các DN xây dựng, củng cố, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt công trình viễn thông thuộc danh mục các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Đề nghị Viễn thông Dak Lak chủ động phương án, biện pháp bảo vệ hệ thống cáp viễn thông của đơn vị; phối hợp với công an tuần tra, kiểm soát; nghiên cứu, ứng dụng giải pháp kỹ thuật, phương tiện hiện đại phục vụ công tác phòng ngừa, bảo vệ hệ thống hạ tầng mạng…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

*Công ty TNHH MTV Cà phê-Ca cao Tháng 10 kiến nghị xem xét điều chỉnh các định mức kinh tế - kỹ thuật các loại cây trồng cho phù hợp với biến động giá cả hiện nay.

Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh phê duyệt định mức kinh tế-kỹ thuật một số cây trồng, vật nuôi chính trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, gồm: cà phê vối, cao su, ca cao, điều, hồ tiêu, lúa nước, ngô lai. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt, Sở sẽ hướng dẫn triển khai thực hiện.

*UBND huyện Cư Kuin đề nghị Sở NN&PTNT cùng với DN nhanh chóng hoàn thành công tác bàn giao các công trình thủy lợi về địa phương quản lý; có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho DN để nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi do DN quản lý.

Tính đến đầu tháng 7-2013, đã thực hiện bàn giao 2 công trình thủy lợi thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê 52 về cho UBND huyện Ea Kar; 15 công trình thủy lợi thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê 49 về cho UBND huyện Krông Năng. Còn lại các đơn vị khác chưa có văn bản đề nghị bàn giao nên Sở chưa triển khai. Riêng việc hỗ trợ một phần kinh phí cho DN cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, đến nay chưa có chính sách hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương nên chưa có cơ sở pháp lý để tham mưu UBND tỉnh thực hiện.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Dak Lak

*Công ty TNHH MTV Cà phê-Ca cao Tháng 10 các ngành chức năng có giải pháp tín dụng lãi suất ưu đãi để DN vay tái canh cà phê.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc cho vay tái canh cà phê, NHNN Việt Nam sẽ dành từ 8.000-10.000 tỷ đồng cho vay tái cấp vốn đối với NH NN&PTNT Việt Nam để cho vay tái canh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên. Đối với Dak Lak, NH NN&PTNT Việt Nam sẽ bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng để cho vay tái canh cà phê, thời gian cho vay từ 7-8 năm, lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thương mại trung, dài hạn từ 1,5%-2%/năm. Đề nghị DN làm việc trực tiếp với Chi nhánh NH NN&PTNT Dak Lak để được hướng dẫn cụ thể.

*Chi nhánh NH NN&PTNT Dak Lak đề nghị các bộ, ngành có gói kích cầu, hỗ trợ giải quyết đầu ra để hạn chế rủi ro khi NH thực hiện tái cơ cấu lại nợ cho các DN; quy định thêm nhiều phương thức xử lý tài sản bảo đảm tiền vay; có giải pháp chỉ đạo chính quyền địa phương, Hiệp hội DN, Hiệp hội Cà phê… hỗ trợ, phối hợp với Chi nhánh xử lý nợ khó đòi của DN.

Về kiến nghị thứ nhất, Chi nhánh NHNN Dak Lak sẽ tổng hợp, báo cáo NHNN Việt Nam xem xét, trình Chính phủ. Đối với kiến nghị thứ hai, hiện NHNN Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm tiền vay tại các tổ chức tín dụng. Trong thời gian xây dựng văn bản này, đề nghị Chi nhánh NH NN&PTNT Dak Lak thực hiện theo quy trình hướng dẫn của NH NN&PTNT Việt Nam. Về kiến nghị thứ ba, đề nghị Chi nhánh NH NN&PTNT Dak Lak đề xuất nội dung phối hợp cụ thể đối với chính quyền địa phương, các hiệp hội để Chi nhánh NHNN Dak Lak báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Ngọc Nguyên (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.