Tiền lẻ…
Mới đây, trong lần đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi đã được chứng kiến nhiều người bệnh bị làm khó khi làm thủ tục thanh toán BHYT ngoại trú.
Hôm ấy, khi cô nhân viên phòng thanh toán BHYT ngoại trú của bệnh viện cất tiếng trên micrô: “Bệnh nhân A., 61 nghìn”, một người phụ nữ bế đứa trẻ chừng 2 tuổi trên tay đứng lên từ hàng ghế chờ nhanh nhẹn tiến lại phía bàn thanh toán, nhận tờ giấy ký tên và nộp cho cô nhân viên tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng. Nhìn tờ tiền, cô nhân viên nọ hỏi: “Có tiền lẻ không, một nghìn ấy?”. Kèm theo cái lắc đầu, người phụ nữ đáp nhỏ: “Không có!”. Bỗng cô nhân viên cao giọng: “Không có tiền lẻ, lấy gì mà thối! Đi đổi đi!” rồi bỏ hồ sơ của bệnh nhân A. sang một bên và tiếp tục gọi tên người khác: “Bệnh nhân X., 23 nghìn”; rồi tiếp đó là những câu hỏi tương tự cùng lời ra lệnh đi đổi tiền cộc lộc lại tiếp diễn với bệnh nhân X. ( khi người này nộp vào tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng). Và tên của những bệnh nhân khác tiếp tục được xướng lên…Trong khi đó, những bệnh nhân bị yêu cầu đi đổi tiền lẻ thì loay hoay chẳng biết đổi ở đâu, vì chỗ đông người, ai cũng ngại mở ví tiền đổi cho họ, trừ khi chẳng đặng đừng. Trước tình cảnh ấy, một vài bệnh nhân nhanh ý chạy ra trước cổng mua chai nước, cái kẹo để tìm cơ hội đổi tiền cho nhanh. Những bệnh nhân cao tuổi thì chỉ biết ngồi xuống hàng ghế…chờ.
Mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân vào khám chữa bệnh ngoại trú cũng đồng nghĩa là có rất nhiều người phải nộp khoản tiền cùng chi trả 20% của BHYT( và dĩ nhiên la rất nhiều hóa đơn có số tiền lẻ). Chẳng biết, bệnh viện có lường trước được tình huống này hay không, mà lại dồn trách nhiệm đổi tiền cho người bệnh. Thiết nghĩ, bệnh viện là nơi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, đương nhiên mỗi người bệnh là một khách hàng, mà đã là khách hàng thì phải được tôn trọng và phục vụ chu đáo. Chẳng lẽ điều đơn giản ấy mà các nhân viên bệnh viện cũng không biết?(!)
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc