Multimedia Đọc Báo in

Tạo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, bình đẳng

14:53, 13/04/2019

Công tác quản lý vận tải trên địa bàn tỉnh ngày càng được siết chặt và từng bước đi vào nền nếp, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng trong hoạt động vận tải. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có buổi trao đổi với ông PHẠM VĂN MẠNH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk để làm rõ hơn vấn đề này.

°Xin ông cho biết tình hình hoạt động cũng như năng lực vận tải của các đơn vị vận tải nội tỉnh?

Có thể nói, năng lực hoạt động của các doanh nghiệp vận tải trong tỉnh không ngừng phát triển. Nếu như năm 2015, tỉnh Đắk Lắk có 56 doanh nghiệp vận tải thì đến nay đã tăng lên 136 doanh nghiệp. Hầu hết mỗi doanh nghiệp vận tải đều có khoảng 100 phương tiện (trừ một số doanh nghiệp mới hình thành số lượng xe còn ít), mặt khác mạng lưới vận tải ô tô của tỉnh phát triển khá đồng bộ: từ xe buýt, xe khách, bến bãi, các tuyến…, được phân bố rộng khắp trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố. Từ nội lực của các doanh nghiệp đến mạng lưới vận tải đường bộ khá phát triển như vậy đã đáp ứng được nhu cầu lưu thông, vận chuyển hành khách cũng như số lượng hàng hóa – mặc dù Đắk Lắk là tỉnh đặc thù, chủ yếu vận tải bằng đường bộ (đường hàng không đã có nhưng còn khá khiêm tốn).

°Hiện nay, có một số đơn vị kinh doanh vận tải ô tô không tuân thủ đúng quy định của pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh, nhất là hoạt động vận tải hành khách, vậy Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk đã có những giải pháp gì nhằm chấn chỉnh, thưa ông?

Đây đúng là vấn đề đang còn nhiều nhức nhối. Trên thực tế có một số doanh nghiệp vận tải chưa thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; hoặc một vài doanh nghiệp mới thành lập chưa hiểu biết, còn “mơ màng” về các quy định của pháp luật nên dẫn đến tình trạng này. Ngoại trừ những trường hợp trên, cần khẳng định, tôn trọng những doanh nghiệp làm vận tải hợp đồng của xe khách mang lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Do vậy, chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để tất cả thành phần tham gia kinh doanh vận tải đều được công bằng - tức là khi tham gia kinh doanh vận tải đều phải đảm bảo đủ điều kiện và có đóng góp như nhau, tạo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển. Với vai trò của mình, Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk tập trung công tác tuyên truyền, động viên doanh nghiệp vận tải nâng cao sản phẩm phục vụ (sản phẩm của vận tải hành khách cũng như vận tải hàng hóa là sản phẩm phục vụ, bảo đảm an toàn về người và hàng hóa, đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển của người dân). Hiệp hội cũng thường xuyên khuyến khích doanh nghiệp, nhất là các phòng điều hành vận tải cố gắng nâng cấp dịch vụ, cung cách ứng xử của lái xe và nhân việc phục vụ chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu, phục vụ người dân tốt hơn.

Hành khách chờ đến giờ khởi hành tại Bến xe Liên tỉnh Đắk Lắk.
Hành khách chờ đến giờ khởi hành tại Bến xe Liên tỉnh Đắk Lắk.

°"Xe dù", "bến cóc" không phải chuyện giờ mới nói. Theo ông, vì đâu thực trạng nhức nhối này vẫn tồn tại trong nhiều năm qua; vai trò, trách nhiệm của lực lượng chức năng trong xử lý triệt để vấn nạn trên?

Đối với một số mô hình vận tải cá thể, xe gia đình, xe cá nhân, với tính chất tận dụng phương tiện làm xe hợp đồng, rồi từ đó chạy thành một tuyến xe khách cố định, xe dịch vụ “trá hình” đã gây nên tình trạng lộn xộn, “xe dù", "bến cóc”. Vấn nạn này là do ý thức của người kinh doanh vận tải cố tình “lách luật” để không phải đóng thuế, không tham gia vào tổ chức nào cả mà theo quy định thì khi kinh doanh vận tải phải tham gia vào một tổ chức kinh doanh có điều kiện để việc quản lý được dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải và số lượng các phương tiện vận tải phát triển rất nhanh nên một số nghị định về hoạt động kinh doanh vận tải ô tô trước kia đã không còn phù hợp. Do vậy, chúng tôi rất mong có một văn bản, quy định mới phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay; đồng thời có lộ trình, cơ chế và toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để quản lý chặt chẽ, xử lý triệt để nạn “xe dù", "bến cóc”.

°Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.