Multimedia Đọc Báo in

Về đâu những chiếc đèn Trung thu?

08:39, 21/09/2012

Vất vả chở cậu con trai đi khắp các cửa hàng, con phố để tìm chiếc đèn trung thu truyền thống mà cuối cùng tôi đành chịu thua. Thật ra trong tâm thức của đứa trẻ 3 tuổi làm sao biết và hiểu thế nào là đèn trung thu truyền thống. Đơn giản là mỗi lần xem bài hát “Rước đèn ông sao”, tôi thường chỉ và kể cho con nghe về chiếc đèn ông sao năm cánh. Vì thế dịp Trung thu này cu cậu đòi mẹ mua bằng được chiếc đèn thường nhìn thấy trên những chương trình ca nhạc thiếu nhi. Con trai thì hờn giận vì tưởng mẹ không mua cho chiếc đèn như mong muốn, còn tôi chợt bâng khuâng, chạnh lòng với câu hỏi: về đâu những chiếc đèn trung thu truyền thống?

Trong sắc màu trung thu của bánh, của đèn lồng và vô số đồ chơi khác ngập tràn khắp các cửa hàng từ nhỏ đến lớn, ngoài đường chính đến trong hẻm, chợ phố đến chợ nông thôn, mỏi mắt tìm chiếc đèn trung thu truyền thống thì phổ biến nhất chỉ thấy những chiếc đèn lồng điện tử. Nhiều chủ cửa hàng tỏ vẻ ngạc nhiên với vị khách hàng có vẻ “hoài cổ” như tôi nên không ngớt lời giới thiệu: “Thời buổi hiện đại, chơi đèn lồng điện tử, chỉ cần gắn pin vào là chạy ro ro, vừa sáng chẳng sợ gió tắt lại có nhạc nghe vui tai. Bọn trẻ tha hồ chơi”.

Lời tiếp thị của những chủ cửa hàng càng khiến tôi nhớ cái thuở ấu thơ, cứ đến dịp Trung thu là các phiên chợ quê ngày ấy không thể thiếu những chiếc đèn trung thu đủ kích cỡ, làm bằng vài thanh tre, mấy tấm giấy màu được xếp gắn thành hình ngôi sao năm cánh, xung quanh có trang trí thêm những chiếc tua rua được cắt từ mảnh giấy nhiều màu sắc. Đêm rằm Trung thu, trò chơi trông trăng phá cỗ càng hấp dẫn với những chiếc đèn ông sao. Nói là cỗ cho oai chứ thực tình chỉ vài trái ổi, bưởi, cóc, toàn cây nhà lá vườn, chúng tôi say sưa bày biện lên một chiếc bàn để giữa sân nhà rồi cả bọn tụ tập rước đèn đi khắp xóm. Trên trời cao trong xanh trăng vằng vặc, dưới mặt đất đám trẻ con rồng rắn nhau thắp nến rước đèn. Thắp sáng được ngọn nến trong chiếc đèn ông sao cũng lắm công phu. Bởi thế khi chiếc đèn nào bị tắt là cả bọn lại chụm đầu nhau thắp lại nến, nâng niu che gió cho đèn khỏi tắt. Những ngõ nhỏ lung linh ánh đèn, tiếng trống, tiếng cười đùa hòa trong những bài hát đồng dao, sao thân thương đến thế! Ngày ấy ai mà được bố mẹ mua cho chiếc đèn ông sao to là sung sướng và vinh hạnh lắm vì được dẫn đầu đoàn rước đèn đi khắp xóm.

Còn với mẹ tôi, Tết Trung thu, ngoài hoa quả khi nào mẹ cũng mua hai chiếc đèn ông sao cắm vào hai chiếc lọ trân trọng để trên ban thờ rồi trưng cho đến hết năm. Thỉnh thoảng mẹ lại đem xuống lau sạch bụi. Nhiều người bảo mẹ hết Trung thu rồi thì bỏ đi, chứ để lại làm gì. Mẹ bảo một năm chỉ có một mùa trung thu nên phải giữ cho hết năm, hết mùa, đến mùa Trung thu sau mới hạ xuống thay bằng chiếc đèn mới. Cùng với những kỷ niệm tuổi thơ, có lẽ cũng chính thói quen đặc biệt này của mẹ nên chiếc đèn ông sao năm cánh ấy càng trở thành một vùng ký ức sâu sắc trong tôi mà chỉ cần chạm nhẹ vào đã trào dâng xúc cảm bồi hồi không tả xiết. Vắng bóng dáng của mẹ, đã hai năm nay rồi, mỗi dịp Trung thu về chị em tôi cũng cố tìm mua chiếc đèn ông sao làm bằng tre và giấy màu trưng trên ban thờ mẹ nhưng tìm đâu cũng chẳng có. Mới hôm rồi, nghe chị Nga chủ cửa hàng tạp hóa Ngọc Khánh trên đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột) cũng rất yêu thích những chiếc đèn trung thu truyền thống có dự định Tết Trung thu năm sau sẽ đặt làm loại đèn này về bán, tôi khấp khởi mừng thầm.

Sắc màu Trung thu đã ngập tràn những con phố, tiếng trống múa lân rộn ràng thôn xóm. Cuộc sống hiện đại, đủ đầy nhưng sao tôi vẫn thấy thiêu thiếu. Đôi lúc tự hỏi, đâu phải mọi thứ cứ công nghiệp hóa là tốt hết. Những sản phẩm đồ chơi thủ công truyền thống vẫn có giá trị riêng, bồi bổ tâm hồn trẻ thơ sự hồn nhiên, vô tư, trong sáng, nuôi cấy trong tuổi trẻ biết quý trọng hồn cốt dân tộc.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc