Cửu đỉnh Huế - “Tượng đài” văn hóa Việt
Trong kho tàng văn hóa vật thể của cố đô Huế còn lưu giữ đến ngày nay, Cửu đỉnh là một trong những công trình nghệ thuật đặc sắc nhất, được đánh giá như một tượng đài văn hóa Việt.
Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên” thì bộ Cửu đỉnh được vua Minh Mạng cho khởi đúc vào tháng 12-1835 và hoàn thành tháng 6-1837, do những nghệ nhân phường đúc Huế thực hiện.Tất cả chín đỉnh đều có hình dáng chung giống nhau, thân bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới có ba chân. Nhưng kích thước và khối lượng (khối lượng các đỉnh được ghi rõ bên trái cổ đỉnh) lại không giống nhau, đỉnh cao nhất (Cao đỉnh) 2,5m, nặng 2.061 kg, đỉnh thấp nhất (Huyền đỉnh) 2,3m, nặng 1.935 kg. Các cặp quai trên miệng đỉnh không hoàn toàn giống nhau: cặp đúc vuông, cặp đúc tròn, cặp xoắn theo kiểu dây thừng. Chân đỉnh cũng khác nhau, có bộ uốn theo kiểu chân quỳ, có bộ đúc thẳng. Trên mỗi đỉnh đều khắc nổi tên hiệu do vua Minh Mạng đặt ứng với thụy hiệu các vị vua Nguyễn. Cao đỉnh tượng trưng cho sự vĩ đại; Nhân (Nhơn đỉnh) là lòng tốt, tượng trưng đức; Chương đỉnh là sự gương mẫu, là ánh sáng; Anh đỉnh là tài giỏi vinh hạnh, hiển đạt; Nghị đỉnh là ý chí kiên cường, cương nghị; Thuần đỉnh là sự hoàn thiện, phong phú; Tuyên đỉnh là sự hài hòa, tinh thông; Dụ đỉnh là nền tảng sự thịnh vượng; Huyền đỉnh, ứng với nơi sâu thẳm. Sau khi hoàn thành, Cửu đỉnh được đặt thẳng hàng trước sân Hiển Lâm Các đối diện với Thế Miếu riêng Cao đỉnh được đặt ở giữa và lên trước các đỉnh khác 3m, tượng trưng cho cao thế tổ hoàng đế Nguyễn Ánh người lập nên vương triều Nguyễn.
Có thể nói Cửu đỉnh là tác phẩm nghệ thuật tổng hợp của nhiều lĩnh vực như: kiến trúc, hội họa, lịch sử, địa lý, văn hóa và sự diệu nghệ của kỹ thuật đúc đồng Việt Nam đầu thề kỷ XIX. Từ thiết kế, vẽ mẫu, rồi làm phôi khuôn, người thợ phải làm ra những chiếc khuôn theo kích cỡ , mẫu mã ký tự, hoa lá, chim muông, cảnh vật… để khi đúc ra các mẫu tạo ấy sẽ được kết dính với nhau một cách tự nhiên, giống như tự thân nó mọc ra vậy quả là kỳ công, tỉ mỉ vô cùng.
Bộ Cửu đỉnh, không chỉ thể hiện ước nguyện bền vững trường tồn của vương triều Nguyễn như chỉ dụ của vua Minh Mạng: Đất nước - con người mà còn là bộ sưu tập đặc sắc về hình ảnh đất nước, với 153 hình ảnh tiêu biểu đặc trưng nhưng cũng rất gần gũi, thân thuộc của nước ta từ Nam ra Bắc được chạm khắc nổi trên Cửu đỉnh. Tất cả 153 mảng hình trên Cửu đỉnh là những bức chạm độc lập, sống động, tinh xảo, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng đạt trình độ tuyệt kỹ của những người thợ đúc đồng Việt Nam. Quanh hông mỗi đỉnh được bố trí 17 cảnh vật được sắp xếp theo một biểu đồ hợp lý, chia làm ba hàng ngang, mỗi hàng gồm một chủng loại, mỗi hình ảnh đều có ghi tên từng cảnh vật. Đặc biệt Cửu đỉnh là 9 đỉnh, nên các hình ảnh được thể hiện cũng xoay quanh con số 9 đặc trưng như: 9 vì tinh tú và thiên nhiên trong vũ trụ là: mặt trời, mặt trăng, gió, sấm, mây, mưa, các sao Ngũ Tinh, Bắc Đẩu, Nam Đẩu; 9 ngọn núi lớn: Thiên Tôn, Ngự Bình, Thương Sơn, Hồng Lĩnh, Tảo Viên, Núi Duệ, Đại Lãnh, Hải Vân, Đèo Ngang ; 9 sông lớn: Bến Nghé, sông Hương, sông Gianh, sông Mã, sông Lô, sông Bạch Đằng, Thạch Hãn, Sông Lam, Sông Hồng; 9 con sông đào và sông khác: Vĩnh Tế, Vĩnh Điện, Lợi Nông, sông Vệ, sông Phổ Lợi, sông Thao, Cửu An, Sông Ngân; rồi 9 cửa biển, cửa quan, biển, cầu vồng; 9 con thú lớn bốn chân; 9 con vật linh; 9 loài chim; 9 loài cây lương thực; 9 loại rau củ; 9 loại hoa; 9 loại cây lấy quả; 9 loại dược liệu quý; 9 loại cây thân gỗ; 9 loại vũ khí; 9 loài cá , ốc, côn trùng; 9 loại thuyền, xe, cờ. Tất cả những số 9 ấy hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên sông núi đất trời Việt Nam thống nhất, hoành tráng. Đặc biệt, những hình ảnh về Biển Đông, Biển Nam, Biển Tây được khắc họa trên Cửu đỉnh từ hơn 200 năm trước là bằng chứng hùng hồn về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thiêng liêng, là văn bản bằng hình ảnh trường tồn cùng thời gian.
Ngô Minh Thuyên
Ý kiến bạn đọc