Multimedia Đọc Báo in

Những địa danh nổi tiếng thế giới

14:49, 21/11/2012

Thế giới quả thật rộng lớn, kỳ vĩ và có rất nhiều cảnh quan ngoạn mục do sự kiến tạo của thiên nhiên hoặc do đôi bàn tay kỳ diệu của con người tạo nên. Sau đây là những địa danh được xem là nổi tiếng và vĩ đại nhất, xứng đáng để con người ngưỡng vọng và thán phục:
Great blue hole, Belize (Hố xanh khổng lồ)

Hố sụt ngầm này nằm ngoài khơi Belize cách TP. Belize khoảng 62 dặm, thuộc vùng Trung Mỹ. Hố có hình tròn với đường kính 300m và chiều sâu 124m. Hố xanh này trước đây là một hang động đá vôi,  thời kỳ băng hà cuối cùng kết thúc, mực nước biển bắt đầu dâng lên và cuối cùng, mái của hang động sụp đổ, tạo nên một cái “lỗ” khổng lồ. 

Khu vực này được bao quanh bởi một màu nước biển trong xanh và nhiều loại sinh vật biển chỉ xuất hiện trong khu vực của Hố xanh. Nhiều thợ lặn cũng thường xuyên bắt gặp các loài cá qúy hiếm như: cá mập rạn san hô vùng Caribbean (nurse shark), cá mú (Blacktip sharks), cá mập đầu búa, cá mập bò... 

Mô hình 3D về Hố xanh khổng lồ

Hố xanh nằm ở giữa ngọn hải đăng Reef và được xem là một phần của vành đai hệ thống bảo tồn Belize Reef. Hố xanh khổng lồ (Great Blue Hole) đã được được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.
Khu núi đá The Wave, Mỹ

Ẩn mình trong khu vực hoang vắng có tên là Paria Canyon - Vermillion Cliffs Wilderness giữa đường biên giới hai bang Utah và Arizona của nước Mỹ là khu núi đá hình sóng (The Wave), một trong những kỳ quan địa chất ngoạn mục nhất hành tinh. Đây là những khối núi sa thạch được thiên nhiên chạm khắc những nét hoa văn tinh xảo trên mặt đá sắp xếp thành những đường thẳng song song, uốn lượn theo các hình khối đa dạng của núi.

The Wave bao gồm những lòng chảo lớn hình chữ U bị xói mòn từ các phiến sa thạch Navajo từ kỷ Jura, cách đây từ khoảng 200 triệu năm về trước. Nổi bật nhất là hai lòng chảo lớn với kích thước rộng 19 mét, dài 36 mét và dài 2 mét, rộng 16 mét với những vết sọc xoáy ăn sâu chạy theo chiều ngang trên bề mặt núi như những dòng nước tuôn chảy uyển chuyển đẹp đến khó diễn tả bằng lời. Khu vực này còn là một bộ sưu tập của sa thạch xoắn tít với những vân, rãnh tuyệt đẹp, giống như cột trụ, hình nón, hình nấm biến dạng và kiểu dáng dị thường khác.

Để đến chiêm ngưỡng kỳ quan thiên nhiên độc đáo này, chỉ có một cách duy nhất là đi bộ khoảng 5km từ nơi gần nhất ôtô có thể tiếp cận và sử dụng hệ thống định vị GPS để khám phá. Ngoài ra, tất cả các du khách phải xin cấp giấy phép tham quan khu vực này và trả phí cho cơ quan quản lý. Mỗi ngày chỉ có 20 khách được vào thăm kỳ quan trên chia thành hai đợt mỗi đợt 10 người và không được cắm trại trong khu vực. Mùa xuân và mùa thu là thời điểm lý tưởng để đến thăm và khám phá sự kỳ diệu của thiên nhiên nơi đây, điểm đến mơ ước của mọi người, đặc biệt những người yêu thích leo núi và những ai mê bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh.

Quần đảo Socotra, Yemen

Quần đảo Socotra nằm ở phía tây bắc Ấn Độ Dương, gần vịnh Aden,dài 250km bao gồm 4 hòn đảo chính và 2 đảo đá. Quần đảo có tầm quan trọng vì tính đa dạng sinh học của nó, với hệ động thực vật phong phú và khác biệt, bao gồm: 37% số loài thực vật tương ứng 825 loài, 90% số bò sát và 95% số loài ốc ở Socotra không có ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Nơi đây cũng là nơi trú ngụ của 192 loài chim, trong đó còn có một số loại đang bị đe dọa. Sinh vật biển ở Socotra cũng rất đa dạng, với 253 loài san hô, 730 loài cá và 300 loài cua, tôm.

Tên Socotra hay Soqotra xuất phát từ tiếng Phạn (Sanskrit) cổ là "Dvipa sakhadara", dịch nghĩa là "Quần đảo Hạnh phúc". Cư dân trên đảo đa số là người Ả Rập, Somali và Nam Á, theo đạo Hồi và nói tiếng Soqotri (tiếng địa phương của Ả Rập). Chỉ có khoảng 50,000 người sinh sống trên đảo bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, nuôi trồng gia súc, trồng chà là và gần đây là du lịch.

Đảo lớn nhất ở đây cũng có tên là Socotra. Hòn đảo này rất vắng lặng và hiếm người nên hệ động thực vật nơi đây hầu như vẫn ở trạng thái nguyên sơ. Khoảng 1/3 những loài thực vật sống ở trên đảo là những loài cây độc đáo, không tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên hành tinh. Chính vì sự huyền bí, cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và đa dạng về sinh học, vào tháng 7-2008, UNESCO đã chính thức công nhận đảo Socotra là di sản thiên nhiên thế giới.

Sa mạc Karakum, Turkmenistan (Cổng vào địa ngục)

Một hố nhân tạo ở sa mạc Karakum, Turkmenistan bốc cháy suốt 40 năm qua và được người dân địa phương gọi là “Cánh cửa tới địa ngục”.

Vào năm 1971, khi các kỹ sư địa chất  Liên Xô thăm dò địa hình tại sa mạc Karakum của Turkmenistan, máy khoan của họ đã chọc trúng một hang ngầm chứa khí gas. Lo ngại hang sẽ thải ra khí độc, các kỹ sư quyết định đốt nó với hy vọng khí gas sẽ cạn kiệt trong vài ngày. Song trái với tính toán của họ, lửa trong hố đã cháy liên tục trong hơn 40 năm qua.

Ngày nay "cổng địa ngục" - cách thủ đô Ashgabat của Turkmenistan khoảng 260 km về phía bắc - trở thành một điểm hấp dẫn đối với du khách từ khắp nơi trên thế giới. Những ngọn lửa trong hố tạo nên một quầng sáng màu vàng lớn đến nỗi con người có thể thấy nó từ khoảng cách vài km.

Tổng thống Gurbanguly Berdimuhamedow của Turkmenistan từng tới sa mạc Karakum để thị sát "cổng địa ngục" vào năm 2010 và ra lệnh lấp hố. Nhưng tới nay mệnh lệnh của ông vẫn chưa được thực thi.

Sa mạc Karakum, có diện tích gần 280.000 km2, bao phủ phần lớn lãnh thổ Turkmenistan. Nhiều mỏ dầu và khí đốt lớn tồn tại trong sa mạc này.

G.H (Tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc