Multimedia Đọc Báo in

Về thăm địa đạo Vịnh Mốc

23:31, 08/08/2010

Địa đạo Vịnh Mốc như một tòa lâu đài cổ trong lòng đất, giấu kín biết bao điều kỳ lạ của những người làm ra nó và thời đại mà nó được sản sinh ra…
Dòng cảm tưởng của một du khách người Anh lưu tại Bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc cũng là cảm xúc của bao du khách khi về thăm di tích độc đáo này.

 

Đường vào địa đạo Vịnh Mốc
Đường vào địa đạo Vịnh Mốc
Địa đạo Vịnh Mốc nằm trong hệ thống địa đạo nổi tiếng của vùng đất thép Vĩnh Linh (Quảng Trị). Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, cũng như nhiều làng quê khác trên vùng đất lửa miền Trung, làng Vịnh Mốc đã bị huỷ diệt hoàn toàn trước sự đánh phá tàn khốc của không quân và pháo binh Mỹ. Với ý chí "một tấc không đi, một li không rời", quyết tâm bám trụ quê hương, chi viện cho miền Nam, quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, kiến tạo nên một hệ thống hơn 100 địa đạo - làng hầm độc đáo với tổng chiều dài hơn 40km trong lòng đất, 2.100km giao thông hào.

 

Du khách thăm "lâu đài trong lòng đất"

Du khách thăm "lâu đài trong lòng đất"
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi quân dân Vịnh Mốc “động thổ công trình”, đến nay địa đạo Vịnh Mốc vẫn vẹn nguyên huyền thoại ngôi làng trong lòng đất. Toàn bộ địa đạo được đào trong lòng quả đồi đất đỏ chạy lan ra sát mép biển, có độ cao chừng 30m, rộng hơn 7ha, bề ngoài quả đồi tạo với bãi biển thành một cái dốc dựng đứng. Đây là vị trí vừa dễ thoát nước, vừa hạn chế tầm nhìn và sự oanh tạc của máy bay địch. Hệ thống đường hầm có độ dài 2.034m bao gồm nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính dài 780m, có nhiều tầng sâu khác nhau và 13 cửa, gồm 7 cửa thông ra biển và 6 cửa thông lên đồi được ngụy trang khá kín đáo, tất cả đều đào chếch theo hướng gió, bảo đảm chức năng thông hơi cho đường hầm. Phía bên ngoài, còn có hệ thống giao thông hào dài hàng trăm mét.

 

Thăm hầm chữ A
Thăm hầm chữ A
Cũng như hệ thống địa đạo ở Vĩnh Linh, địa đạo Vịnh Mốc được thiết kế các tầng ngầm với độ sâu khác nhau, từ 8-30 mét, mỗi tầng có cấu tạo phù hợp từng chức năng: nơi cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời; nơi sinh sống của đồng bào; nơi cất giữ hàng hóa, vũ khí đạn dược đưa từ hậu phương miền Bắc vào để chi viện cho đảo Cồn Cỏ và cuộc chiến đấu của đồng bào bờ nam. Dưới làn mưa bom bão đạn, ngôi làng trong lòng đất vẫn cố gắng bảo đảm sự tiện lợi, an toàn cho hàng trăm con người với đủ "cơ sở hạ tầng" như hội trường, bệnh xá, trường học, trụ sở chính quyền, căn hộ, bếp, giếng nước...

 

Căn hộ trong làng hầm
Căn hộ trong làng hầm
Theo những nhân chứng lịch sử tại Vịnh Mốc, đào địa đạo đã là chuyện khó, từ việc xác định tọa độ, điểm giáp nhau của các đường hầm, đến việc đem đổ hàng ngàn mét khối đất đỏ đã đào sao cho địch không phát hiện. Nhưng khó hơn là việc tổ chức cuộc sống cho người dân cũng như bảo vệ an toàn địa đạo. Chỉ việc lo cái ăn cho hàng trăm con người trong cảnh thiếu lương thực, thiếu chất đốt, thừa bom đạn kéo dài hàng năm trời đã hết sức nan giải. Rồi còn bao mối gian nguy vất vả trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến, đòi hỏi mỗi người phải có  ý chí nghị lực phi thường với tính tổ chức, tự giác cao để vượt qua. Lòng đất sâu ôm ấp giữ cho người sống giữa tiếng bom gào đạn thét trên đầu. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại (từ 1965 - 1972), địa đạo đã đón 17 đứa trẻ ra đời an toàn, như một sự tích kỳ diệu về mảnh đất và con người nơi đây. Vượt qua hoàn cảnh, vừa sản xuất vừa chiến đấu, họ không chỉ tồn tại mà còn tổ chức hàng trăm chuyến thuyền nan tiếp vận cho đảo Cồn Cỏ ngoài khơi Cửa Tùng. Đêm đêm những con thuyền nhỏ chạy bằng buồm và chèo tay âm thầm vượt gần 30 cây số chở hàng ra đảo. Những ngày địch điên cuồng đánh phá, chặn đường ra đảo, những ngư dân từ địa đạo Vịnh Mốc đã lập thành đội cảm tử đi chi viện. Hàng ngàn tấn vũ khí, kể cả pháo 75, cao xạ 37 li, lương thực vật dụng đã được đưa ra đảo, mà cái giá của mỗi viên đạn, mỗi hạt gạo đều phải tính bằng máu…

 

Trên bến chuyển hàng ra đảo Cồn Cỏ năm xưa
Trên bến chuyển hàng ra đảo Cồn Cỏ năm xưa
Trong hệ thống địa đạo Vĩnh Linh, đến nay chỉ địa đạo Vịnh Mốc còn nguyên vẹn, nằm trong danh mục các di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Mỗi hạng mục di tích đều được nâng niu, trân trọng, trải qua thời gian càng thêm chói ngời sức mạnh quả cảm của lòng yêu nước …

 

Hoa Hồng

 


Ý kiến bạn đọc