Multimedia Đọc Báo in

Cách chăm trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà

08:56, 08/07/2010

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em, lây truyền từ người bệnh sang người lành qua vết đốt của muỗi vắn. Bệnh SXH chưa có thuốc đặc trị nên việc chăm sóc và dinh dưỡng hợp lý tại nhà sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giúp trẻ sớm hồi phục. Tuy nhiên, những ứng xử sai lầm trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà có thể dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
SXH là bệnh hay gặp vào mùa mưa, bắt đầu với ba dấu hiệu: sốt đột ngột, sốt cao, sốt liên tục, nhiệt độ tăng cao từ 39-41oC. Kèm theo sốt, nhiều trẻ còn phát ban, đau bụng, ói mửa. Triệu chứng xuất huyết biểu hiện bằng những chấm xuất huyết ở da, dạng nhỏ li ti, khi căng da vẫn còn, thường xảy ra sau khi bắt đầu sốt một vài ngày với nhiều hình thức: nôn ói ra máu, tiêu ra máu, chảy máu cam, chảy máu dưới da… Điểm đáng lưu ý, xuất huyết không phải là dấu hiệu bắt buộc của bệnh, bởi có trẻ tuy mang bệnh này nhưng lại hoàn toàn không có triệu chứng xuất huyết. Dù có hay không có triệu chứng xuất huyết thì bệnh vẫn có thể dẫn tới một biến chứng vô cùng nguy hiểm có thể khiến trẻ tử vong, đó là sốc (một hội chứng gồm ba tình trạng suy giảm: giảm tri giác, giảm nhiệt độ, giảm huyết áp).

Vào mùa mưa, số trẻ mắc sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh chóng. Ảnh: Tư liệu.


Khi trẻ mắc SXH cần tránh những ứng xử sai lầm khiến bệnh trầm trọng thêm như: cắt, lể theo kinh nghiệm dân gian (cách này không những không hạ được sốt mà còn gây chảy máu khó cầm, dẫn đến mất máu); cho trẻ cữ nước, tránh gió khiến tình trạng mất nước của trẻ nặng hơn; tự ý tăng liều thuốc hạ sốt, tăng số lần uống gây hại thêm cho gan và ngộ độc; kiêng ăn, cữ uống làm trẻ càng suy nhược, mất nước; đặc biệt, khi trẻ hạ sốt cho rằng trẻ đã khỏi bệnh nên không theo dõi nữa, điều này dễ dẫn đến nguy cơ bỏ qua, không phát hiện kịp thời dấu hiệu trở nặng của bệnh. Đối với trẻ mắc SXH, biện pháp chăm sóc tại nhà tốt nhất là cho trẻ nghỉ ngơi, chơi, ngủ ở nơi thoáng mát, không chạy nhảy nhiều. Tránh dùng quần áo quá dày, hoặc ủ kín. Trẻ đang sốt cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên mỗi ngày hai lần vào sáng, chiều và mỗi khi sốt đột ngột. Sau khi uống thuốc hạ sốt một giờ, cần đo lại nhiệt độ. Quan sát các dấu hiệu chảy máu, lượng nước tiểu, các biểu hiện bất thường, tình trạng ăn uống, chơi của trẻ. Khi hạ sốt từ ngày thứ ba trở đi phải theo dõi kỹ hơn. Nếu trẻ vẫn chơi bình thường, ăn uống được là đang hồi phục. Ngược lại, trẻ chơi kém, lừ đừ, than đau bụng nhiều hay có bất kỳ dấu hiệu trở nặng nào khác cũng cần đưa đi khám ngay.
Bên cạnh đó, việc dùng thuốc cho trẻ mắc SXH phải thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, tránh cho trẻ dùng các thuốc nhóm Aspirine vì các loại thuốc Aspirine có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và gây một số tai biến khác. Khi trẻ sốt cao trên 40°C cần dùng thêm những phương pháp hạ nhiệt vật lý như lau mát, nằm phòng lạnh, để quạt, uống nước lạnh. Lau mát bằng nước ấm hoặc nước thường trong vòng 20 phút lên đầu, lên trán trẻ; đắp khăn ướt ở những vùng có mạch máu lớn nằm sát da như nách, bẹn...
Khi mắc bệnh SXH, sự chịu đựng nhiệt độ trên 39°C trong thời gian dài khiến trẻ bị mất nước và các chất điện giải kèm theo, dẫn đến rối loạn thần kinh, thậm chí co giật. Vì vậy cho trẻ uống nước đầy đủ là điều rất cần thiết. Có thể cho trẻ uống Oresol (chất thường dùng để bù nước trong bệnh tiêu chảy) hoặc uống nước cam, chanh, nước khoáng, nước lọc đun sôi... Đồng thời, cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Kim Oanh (tổng hợp)



Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.