Ấm tình hậu phương
Vì nhiệm vụ thiêng liêng, nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng phải công tác xa, đón Tết ở đơn vị nhiều hơn ở nhà, nhưng các anh vẫn cảm nhận được sự thân thương, gần gũi từ hậu phương. Chính tình yêu đó đã xây đắp hạnh phúc, giúp họ vượt qua khó khăn, thử thách.
Lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa…
Gần 20 năm gắn bó với biên cương, Thượng úy Nguyễn Văn Dũng, cán bộ tăng cường phát triển kinh tế - xã hội xã Ya Lốp (Đồn Biên phòng Ea H’leo) không nhớ hết đã đón bao nhiêu cái Tết xa nhà. Với anh, mỗi mùa xuân mới ở tiền tiêu đều có những kỷ niệm đẹp khác nhau, nhưng khó có thể quên được những năm người vợ hiền ở quê ngược đường, vượt nắng gió đến Tây Nguyên đón Tết cùng mình...
Anh Dũng và chị Ngô Thị Chung Kiên cùng sinh ra và lớn lên ở miền quê Thanh Hóa, chị Kiên lại là em gái cậu bạn thân của anh Dũng nên cùng chung tuổi thơ trong veo. Năm 1996, anh tạm xa quê nhà, lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự tại tỉnh Đắk Lắk, hai người vẫn thường xuyên liên lạc thăm hỏi, động viên nhau, tình cảm ngày càng sâu nặng. Biết chị yêu hoa sim, anh mời tha thiết nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa, vậy là cô gái có dáng người nhỏ nhắn như được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh vượt quãng đường hơn 1.000 km để đến thăm người thương. Cả hai quyết định góp gạo thổi cơm chung từ sự yêu thương, quan tâm, cảm thông như thế. Và từ đó đến nay, đã biết bao lần chị một mình vượt quãng đường xa ngái đến thăm anh và đã 3 mùa Xuân, chị lên biên cương Tây Nguyên cùng anh đón Tết. Những mùa xuân ấy không chỉ có anh cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ, mà còn có mai rừng bạt ngàn khoe sắc, hoa Pơ Lang rực đỏ góc trời, cỏ tranh xanh non mơn mởn... khiến chị thêm yêu, hiểu và tự hào về anh hơn.
Phút nghỉ chân của cán bộ, chiến sĩ trên đường tuần tra biên giới. |
Tình yêu của anh chị thêm bền chặt với 2 người con thông minh, ngoan ngoãn. Anh nhớ lại: Cả 2 lần Kiên vượt cạn, tôi đều phải công tác xa, không về kịp. Tôi thương cô ấy nhiều hơn khi nghe được lời động viên: “Anh hoàn thành tốt nhiệm vụ là món quà lớn với mẹ con em rồi”... Còn với chị Chung Kiên, 10 năm làm dâu biên phòng là gần như từng đó thời gian phải một mình lo toan, gánh vác mọi việc trong gia đình, chăm sóc con cái, bố mẹ hai bên, nhưng chị đều cố gắng để anh yên tâm công tác. Đã là vợ lính, chị sẵn sàng hy sinh những điều nhỏ nhặt để giữ “lửa” hạnh phúc gia đình, bởi chị hiểu hơn ai hết, hậu phương có vững chắc thì tiền tuyến mới yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhánh lan rừng tặng em
Hơn 26 năm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng đất, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, Thiếu tá chuyên nghiệp Phạm Đình Toản đã quá quen với những cái Tết xa nhà. Đặc biệt là quãng thời gian gần 16 năm công tác tại các đơn vị: Hải đội 2, Đồn Biên phòng 72, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diên Điền (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình)… là cũng gần như ngần ấy thời gian anh trực Tết ở đơn vị.
Mỗi mùa xuân mới là một kỷ niệm, nhưng anh vẫn nhớ mãi quãng thời gian Tết năm 1997. “Mồng 6 Tết năm ấy, chúng tôi cưới nhau, nhưng vì năm đó bọn buôn lậu hoành hành, đơn vị thường xuyên bắt và thu được nhiều tang vật, phải ở lại thực hiện nhiệm vụ nên đến Mồng 3 Tết tôi mới có mặt ở nhà. Mọi việc từ gửi thiệp mời đến chuẩn bị tiệc cưới đều một tay vợ tương lai lo lắng, tôi chỉ việc “mang” người về cưới là được” - anh Toản vui vẻ nhớ lại. Và Tết của những năm sau đó, vợ anh - chị Đỗ Thị Ngạn lại tiếp tục thu xếp mọi việc gia đình, bế con vào đơn vị đón Tết cùng chồng... Với sự chăm sóc chu đáo của chị, con gái đầu lòng giờ đã học lớp 11, còn con trai Phạm Quốc Cường học lớp 7 đều chăm ngoan, học khá.
Năm 2009, anh được điều động nhận nhiệm vụ tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk và được phân công làm nhân viên báo vụ (Đồn Biên phòng Ia R’vê). Xa gia đình, xa quê nhà, nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội trên mảnh đất Tây Nguyên khiến anh luôn cảm nhận được sự ấm áp. Anh tâm sự: “Vợ con thường xuyên hỏi thăm, động viên; đồng đội luôn tạo điều kiện công tác tốt; người dân Tây Nguyên xởi lởi, tốt bụng... tất cả khiến tôi ngày càng yêu mảnh đất này hơn. Khoảng cách địa lý trên 1.400 km tưởng như rất xa, nhưng vẫn luôn gần với tôi và gia đình”... Hơn 6 năm công tác xa nhà, anh thường xuyên được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk tạo điều kiện về đón Tết cùng gia đình. Mỗi dịp ấy, anh lại mang theo nhánh lan rừng tặng vợ, những bông lan bung nở, tỏa hương thơm ngát như thay lời tri ân dành cho hậu phương. Đặc biệt, anh còn tự tay làm măng khô, mang về biếu người thân quê nhà, khiến ai cũng trầm trồ khen ngợi. Những món quà dù mộc mạc, nhưng vẫn đủ “lửa” để chị hiểu rằng anh luôn nhớ và quan tâm đến gia đình. Quyết định gắn bó suốt đời với người lính, đồng nghĩa với tháng ngày đằng đẵng xa nhau, nhưng chính tình yêu đã giúp anh chị vượt qua tất cả...
Không chỉ Thượng úy Nguyễn Văn Dũng, Thiếu tá chuyên nghiệp Phạm Đình Toản mà còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng Việt Nam, dù Tết đến vẫn chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn trật tự an ninh khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo. Để tiền tuyến thực hiện tốt nhiệm vụ thiêng liêng, hậu phương sẵn sàng sẻ chia mọi khó khăn, vất vả. Những người vợ biên phòng rất tự hào, hạnh phúc khi nghe câu nói mộc mạc, giản đơn của chồng: “Lính mà em”!
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc