Multimedia Đọc Báo in

Hòn đảo mang tên người Anh hùng

08:36, 25/03/2020
Trong hải trình hơn 20 ngày đến với Quần đảo Trường Sa thân yêu cách đây hơn một năm, chúng tôi may mắn được ghé thăm, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và nhân dân làm nhiệm vụ, sinh sống tại 8 đảo, 14 điểm đóng quân, trong đó đảo Phan Vinh là điểm dừng chân cuối cùng.

Ngay sau khi lên đảo, được sự hướng dẫn của các CBCS hải quân, chúng tôi đã đến thắp hương tại phòng thờ Anh hùng liệt sỹ Phan Vinh. Khu phòng thờ luôn được các anh chăm sóc, lau dọn sạch sẽ và được Ban Chỉ huy đảo chọn làm nơi để CBCS đến thắp nén hương bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hy sinh to lớn của Anh hùng liệt sỹ Phan Vinh; đồng thời là nơi để giáo dục về truyền thống hào hùng của Quân chủng Hải quân và tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Một góc đảo Phan Vinh A ngày nay.
Một góc đảo Phan Vinh A ngày nay.

Chúng tôi được Thượng tá Tiên Quang Sự - Chính trị viên đảo Phan Vinh dẫn đi tham quan đảo, cột mốc chủ quyền và kể về sự đổi thay của đảo cũng như nỗ lực của các CBCS trong suốt bao năm qua. Theo lời kể, đảo trước đây có tên là Hòn Sập nhưng đến năm 1978 được đổi tên thành đảo Phan Vinh - Thuyền trưởng của con tàu không số đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại đường Hồ Chí Minh trên biển. Liệt sỹ Phan Vinh tên thật là Nguyễn Phan Vinh (SN 1933, quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cấp bậc Trung úy - Thuyền trưởng Tàu C.235 (thuộc Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân).

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Thuyền trưởng Phan Vinh được giao nhiệm vụ vận chuyển 14 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho tỉnh Khánh Hòa. Khoảng 18 giờ ngày 29-2-1968, Tàu đến vùng biển Nha Trang thì bị địch phát hiện, Thuyền trưởng Phan Vinh chỉ đạo anh em trên tàu ngụy trang cẩn thận, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Đến 23 giờ đêm 29-2, khi cách Hòn Hèo khoảng 6 hải lý thì tàu của ta bất ngờ gặp 7 tàu chiến của địch bao vây. 

Cuộc chiến không cân sức diễn ra quyết liệt, nhiều đồng chí của ta đã bị thương, máy tàu hỏng nặng. Biết không thể thoát khỏi vòng vây, Nguyễn Phan Vinh ra quyết định hủy tàu chứ không để lọt vào tay địch. Anh ra lệnh cho tất cả bơi vào bờ trước, còn lại anh và thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại điểm hỏa cho nổ tàu rồi nhảy xuống nước. Đến sáng hôm sau, bị địch phát hiện và vây bắt ráo riết, hai người vẫn bình tĩnh chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi anh dũng hy sinh. Với tinh thần chiến đấu quả cảm, năm 1970, liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Trong số 21 đảo, với 33 điểm đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa chỉ có đảo Phan Vinh được đặt theo tên người Anh hùng liệt sỹ của Quân chủng Hải quân, trên đảo chia thành hai khu vực là Phan Vinh A và Phan Vinh B.

Sau hơn 40 năm, đảo Phan Vinh giờ đã trở thành một pháo đài tiền tiêu vững chắc trên tuyến phòng thủ ở Trường Sa của Tổ quốc. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về đảo Phan Vinh đó là một hòn đảo xanh giữa muôn trùng sóng gió. Với sự lao động miệt mài của những người lính đảo cùng sự đầu tư quan tâm của Đảng, Nhà nước, diện mạo đảo Phan Vinh từng bước đổi thay. Từ một hòn đảo không có nước ngọt, khô cằn san hô, nơi đây đã trở thành hòn đảo rợp bóng cây xanh, vượt lên thời tiết khắc nghiệt. Hệ thống nhà ở, nơi làm việc được xây dựng khang trang, hiện đại; điện thoại được phủ sóng, phương tiện nghe nhìn khá đầy đủ; hệ thống điện năng lượng mặt trời, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt giúp CBCS nơi đầu sóng ngọn gió khắc phục được phần nào khó khăn. Nhờ đó, lính đảo có điều kiện tăng gia sản xuất, được hưởng thành quả là những luống rau xanh mướt, những đàn vật nuôi béo tròn. Bên cạnh đó, “tủ sách pháp luật” với nhiều đầu sách, tài liệu nghiên cứu cũng  góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giúp CBCS yên tâm công tác...

Chiến sĩ trẻ  đảo Phan Vinh B tăng gia sản xuất.
Chiến sĩ trẻ đảo Phan Vinh B tăng gia sản xuất.

Bất cứ ai vinh dự được đặt chân đến Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc đều không khỏi tự hào và xúc động bởi ở đây, từng hòn đảo, từng tấc đất, nhành cây đều thấm đẫm biết bao mồ hôi và máu xương của các thế hệ cha anh đi trước. Giữa biển trời, sóng nước Trường Sa, cột mốc chủ quyền và người lính đảo vẫn vững vàng, hiên ngang, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió như khẳng định một điều không bao giờ thay đổi đó là chủ quyền của Tổ quốc và sự trường tồn của dân tộc.

Thế Hùng
 

 


Ý kiến bạn đọc