Multimedia Đọc Báo in

Nhớ Tết quê nhà

08:23, 06/02/2014
Tôi nhận ra Tết về rất gần sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của học kỳ I. Khi đó mọi lo toan về việc học được gác lại, nhường chỗ cho niềm háo hức trở về quê nhà đón Tết, đoàn tụ cùng gia đình.

Ở giảng đường, trong ký túc xá đâu đâu cũng thấy sinh viên nhắc đến chuyện Tết, háo hức không kém như thời trẻ thơ. Cả đám ngồi túm tụm, vây quanh lại kể chuyện ngày xửa, ngày xưa. Thỉnh thoảng một ai đó có câu chuyện hay, cả bọn lại phá lên cười. Mấy đứa bạn cùng phòng ở ký túc xá, sáng sáng ngủ dậy lại nhắc đến Tết và đếm ngược thời gian. Nhắc đến Tết lòng bỗng nôn nao, nhớ về không khí thiêng liêng, ấm áp của Tết cổ truyền dân tộc Việt.

Tôi trở về quê trên chuyến xe gần như là cuối ngày của chiều 29. Không khí Tết tràn ngập trên xe, người chật như nêm, đủ mùi vị các loại mứt, bánh, đào, mai khoe sắc. Dường như mỗi dịp Tết đến xuân về hẳn ai cũng có chung một niềm mong mỏi đó là được đoàn tụ cùng gia đình. Con người quê tôi cũng vậy. Dù làm ăn vất vả quanh năm suốt tháng, ai cũng chắt chiu chút ít để lấy tiền tàu xe về Tết vui vầy với người thân.

Vẫn còn đó, thói quen chiều 30 Tết, trong một xóm, gọi nhau í ới đi “đụng” lợn. Đám trẻ con thì tranh nhau cái bong bóng lợn, rửa sạch rồi bơm lên làm banh để đá. Cả một góc sân chộn rộn tiếng cười. Thấy ấm áp và bình yên đến lạ! Bố tôi sau khi cùng các cô bác làm thịt lợn đưa về một xâu, nạc có, mỡ có. Có lẽ nhắc đến việc “đụng” lợn mọi người có thể cho rằng “ăn uống được bao nhiêu mà đi đụng lợn như vậy, cần thì ra chợ có ngay thịt ngon”. Nhưng đó là thú vui của người dân quê tôi. Quanh năm tất bật với ruộng đồng, mưu sinh, họ hiếm có dịp ngồi lại bên nhau để cùng làm thịt lợn, hỏi han chuyện trò. Một ít thịt ba chỉ thái nhỏ sẽ làm nhân gói bánh. Cả hai loại bánh, bánh chưng và bánh tét được chính người dân quê tôi làm ra. Nếp nương thơm dẻo, lá dong ngoài vườn, lạt buộc thì chặt hom tre non trên đồi.

Đám trẻ con chúng tôi ngồi quanh xem các ông bố gói bánh. Bố tôi là người khéo tay, khi gói xong cho gia đình, bố còn gói hộ cho các bác khác trong thôn. Khi còn dư chút ít nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ, tụi con nít tha hồ mà học gói bánh. Những chiếc bánh méo xệch chẳng ra hình thù nhưng đứa nào đứa ấy thích mê. Những chiếc bánh nhỏ được đặt trên cùng nồi bánh, rồi vớt ra trước. Mỗi đứa một chiếc cứ đi tung tăng khắp làng.

Bữa cơm tất niên là bữa cơm mà ai cũng mong đợi nhất. Đó là khi mọi người đã gạt bỏ mọi lo toan, ưu phiền trong năm để cùng sum họp chuyện trò một cách thoải mái. Khi đó như một điều lệ không nói nhưng anh em chúng tôi đều phải nhớ răm rắp: Năm mới là phải hoàn thiện mình hơn, phát huy kết quả tốt trong năm, hạn chế, gạt bỏ điều dở.

Mùng một Tết nếu có đi chơi cũng chỉ đi loanh quanh hai bên nội, ngoại không được đi chơi đâu xa. Chuyện đó ba mẹ cũng muốn tốt cho con cái chứ không có khắt khe gì cả. Ba mẹ chúng tôi muốn con cái luôn hướng tới cội nguồn, coi gia đình là trên hết, sau đó mới đến chuyện khác.

Thời gian trôi đi thật nhanh. Mới đó lại sắp đến Tết nữa rồi. Tôi lớn lên đi học xa nhà, không còn là cậu con trai bé bỏng như ngày xưa nữa. Cũng như bao người xa quê khác tôi mong ngóng từng ngày khoảnh khắc sum họp quây quần cùng gia đình trong giờ phút giao thừa.

Cao Văn Quyền


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Bâng khuâng tháng Chạp
21:25, 30/01/2014
Hương tháng năm
09:39, 30/01/2014
Ngày mới…
09:38, 30/01/2014
Sầu đông hóng nắng
11:37, 24/01/2014
Vị mùa đông
13:51, 17/01/2014