Multimedia Đọc Báo in

Nơi thời gian ngưng đọng

10:22, 28/12/2012

Là địa danh nổi tiếng và được nhiều người biết đến của Quảng Nam, phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới với vẻ cổ kính, thơ mộng luôn đem đến cảm giác êm đềm và bình yên cho những ai mỗi khi đặt chân đến.

Phố cổ soi bóng bên dòng Hoài êm ả.
Phố cổ soi bóng bên dòng Hoài êm ả.

Tôi đến phố Hội khi những tia nắng cuối ngày nhẹ nhàng rơi bên dòng Hoài yên tĩnh. Không gian trầm mặc, cổ kính của quần thể kiến trúc trong khu phố cổ tạo nên sự đồng vọng của tiếng thời gian giữa quá khứ và hiện tại. Thả bộ trên những con phố  không tấp nập người qua, không có tiếng động cơ gầm rú, ta như cảm nhận được cả không gian và thời gian đều ngưng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ kính rêu phong. Chùa Cầu, những nếp nhà cổ lặng lẽ bên dòng Hoài..., tất cả những gì đang hiện hữu nơi đây như đưa con người trôi trong miền hoài niệm về một thời quá khứ, gợi nhắc về một Faifoo hoàng kim khi là thương cảng thịnh vượng nhất vùng Viễn Đông, ngày ngày đón thuyền bè tấp nập chở hàng hóa và các thương nhân đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italia… Trải qua bao thăng trầm lịch sử, từng con đường, từng ngôi chùa, ngôi nhà cổ đều không chỉ là hiện vật trưng bày thuần túy; mà đang hợp thành một môi trường sống cho hàng ngàn người dân nơi đây. Họ sống, buôn bán, mưu sinh gắn bó và uống chung dòng nước sông Hoài, trở thành một phần không thể tách rời của mảnh đất này.

Một góc bình yên phố cổ.
Một góc bình yên phố cổ.

Khi ánh hoàng hôn buông xuống, sông Hoài như bức tranh thủy mặc với những ánh đèn bắt đầu thắp lên từ phố cổ. Phố thêm bình dị trong những tiếng rao. Tôi chợt nhớ đến lời tự tình của Trương Vũ Thiên An: “Đêm Hội An cần chi đợi ngày lên/Ta vác trăng diễu hành qua phố cổ/Tự dưng thèm một cuốc thổ mộ/ Lốc cốc về cho phố xa thêm…” Đêm – phá vỡ không gian yên tĩnh là tiếng ca bài chòi rộn rã. Các làn điệu cơ bản của dân ca bài chòi Quảng Nam gồm xuân nữ, cổ bản, xàng xê và hò Quảng, hết câu hát, các khách chơi xem lại tấm thẻ bài của mình, nếu trùng với chữ trên thẻ của của người cầm trò (gọi là anh hiệu) tức là đã có một lá cờ. Không khí thật rộn ràng, tiếng trống chầu khua vang mỗi khi có ai đó được bài. Cứ thế, cuộc chơi bắt đầu từ 7 giờ tối đến gần 10 giờ đêm mới xong. Những lời ca, hò vè mang đậm bản sắc văn hóa dân gian lại có mãnh lực kỳ lạ thu hút khá nhiều du khách đến chơi. Trò chơi giản đơn đem lại không khí vui vẻ cho khách chơi, phần thưởng dành cho người thắng cuộc chỉ là một chiếc đèn lồng, sản phẩm thủ công truyền thống của Hội An nhưng ai cũng cảm thấy thích thú.

Khi phố đã đắm mình trong giấc ngủ, tôi vẫn lặng lẽ lang thang trên những con đường chỉ để nghe hơi thở của đêm, quyện vào màn sương, quyện cả vào trong những giấc mơ mang sắc màu của những chiếc đèn lồng treo trước cửa. Thời gian qua đi, sự giao thoa văn hóa dần mai một, nhưng tôi tin nó vẫn còn tồn tại trong tiềm thức của những con người phố Hội như những chiếc đèn lồng vẫn được thắp lên, lung linh diệu kỳ mang bóng dáng của những con người lịch lãm, nồng nhiệt đến mức dù mới gặp lần đầu mà cứ ngỡ như đã quen thuộc, gần gũi từ lâu. Đến Hội An, đến để được chạm vào những điều xưa cũ hay chỉ đơn thuần đó là chốn riêng tư ta tự vấn lòng mình về bao chuyện đã qua.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc