Multimedia Đọc Báo in

Những biện pháp, kỹ thuật cơ bản để tái canh cây cà phê

10:10, 18/06/2010

 

Hiện nay, có khoảng 25% diện tích cà phê của nước ta đã trồng trên 20 năm. Nhiều diện tích đã già cỗi, năng suất không cao, đã bước vào giai đoạn phải trồng tái canh hoặc chuyển sang chu kỳ 2, nghĩa là phải cưa đốn phục hồi.
Xin đề xuất những biện pháp kỹ thuật cơ bản để tái canh cà phê nhằm tránh được những hậu quả và tổn thất sau khi đã tái canh.
Thực tế đã được chứng minh trong thực tiễn sản xuất cà phê ở tỉnh ta: Một số diện tích cà phê đã già cỗi hoặc bị sâu bệnh hại đã hủy đi để trồng lại. Do không được luân canh với những cây trồng khác, nên sau khi nhổ cây, cày bừa làm đất lại đem trồng mới cà phê ngay trên những diện tích này. Hậu quả là vườn cây khi bước sang năm thứ 2 thì đã có một số cây vàng héo rồi chết, sang năm thứ 3 tỷ lệ cây chết tăng lên và cuối cùng phải hủy cả vườn cây. Một số vườn cây chỉ hủy bỏ một vài cây xấu, bị sâu bệnh và đem trồng cây con cà phê ngay nhưng sau từ 2 đến 3 năm những cây trồng lại này cũng cằn cỗi, vàng héo rồi chết. Tại sao lại có tình trạng như vậy?
Kết quả của các công trình nghiên cứu cho thấy rằng: Trong vườn cà phê thường có một số sâu bệnh gây hại cho bộ rễ cà phê như một số loại nấm và tuyến trùng. Khi cây cà phê đã lớn, có bộ rễ khỏe và phân bố rộng, nhiều tầng ở trong đất nên nấm bệnh không hủy hoại được bộ rễ của cây. Nhưng khi trồng tái canh thì bộ rễ nhỏ bé, yếu ớt của cây con ở năm trồng mới hay ở 2 năm kiến thiết cơ bản sẽ bị nấm bệnh còn lại ở trong đất tập trung tấn công xâm nhập phá hủy từ phần rễ đuôi chuột trở lên làm cho cây bị héo, vàng rồi chết một cách nhanh chóng.
Do vậy một số nguyên tắc bắt buộc và việc làm phải thực hiện khi tái canh cà phê là:
1.Đối với diện tích cà phê tái canh:
Phải nhổ bỏ cây, cày bừa, rà rễ, lượm rễ đem đi đốt và trồng luân canh với cây trồng khác (cây lương thực, cây thực phẩm) ít nhất là 3 năm. Trong thời gian này, do không còn cây ký chủ để ký sinh nên nấm bệnh và tuyến trùng không có điều kiện để sinh sống, tồn tại nữa. Vì vậy, sau 3 năm trồng lại cà phê thì mới an toàn.
2.Chọn cây giống tốt:
Hiện nay Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã có bộ giống tốt từ vật liệu dùng để ghép hoặc cây ghép, hạt giống đa dòng. Các giống mới này đã được cơ quan chức năng công nhận. Chúng có các đặc tính tốt là: Năng suất cao, hạt to, kháng bệnh, kháng hạn. Không mua cây giống ở các địa chỉ không đáng tin cậy bán trôi nổi trên thị trường.
3. Khi trồng mới bắt buộc phải có phân lân và phân hữu cơ để bón lót:
Dùng phân lân nung chảy 0,5 kg cho 1 hố, trộn lẫn với phân chuồng, phân sinh hóa hữu cơ, phân vi sinh. Khi đặt bầu đất vào hố cần rải 20 gam thuốc Mocap để diệt trừ tuyến trùng vào xung quanh bầu đất trước khi lấp đất. Vào mùa khô nơi có mối cần dùng 10 gam Basudin rải vào xung quanh giáp với gốc cây con để diệt mối.
4.Cần tôn trọng các biện pháp kỹ thuật tối thiểu như:
Đánh ổ gà, tủ gốc giữ ẩm và có tấm liếp che nắng ở phía Tây hoặc che túp.
Bảo đảm cho tỷ lệ cây sống cao ở năm trồng mới nhằm tạo sự đồng đều cho vườn cây ở những năm kinh doanh.
5.Sau khi trồng mới:
Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản phải trồng cây che bóng tạm thời, trồng cây trồng xen để che phủ, bảo vệ, cải tạo đất. Đây là biện pháp rất quan trọng để cải thiện độ phì và tính chất lý hóa của đất sau một chu kỳ kinh doanh dài, lấy nguyên liệu để tủ gốc, ép xanh làm tăng lượng chất hữu cơ, mùn cho đất. Nếu chưa có cây che bóng thì trồng cây bóng mát. Nên dùng cây keo dậu (leucaena Leucocephala) mà ta thường gọi là cây keo dậu Cuba với khoảng cách 6x12m, khi cà phê bước vào giai đoạn kinh doanh sẽ tỉa bỏ bớt chỉ còn giữ lại khoảng cách 12x12m. Cây bóng mát có tác dụng điều hòa hệ tiểu sinh thái cho vườn cây. Bổ sung lượng chất hữu cơ và chất dinh dưỡng cho đất.
6. Có chế độ bón phân hợp lý, khoa học:
Coi trọng hàng đầu là bón phân hữu cơ và sử dụng tốt các tàn dư thực vật để cung cấp chất hữu cơ cho đất. Bón phân hóa học đúng tỷ lệ và liều lượng. Không lạm dụng dùng phân hóa học bón với liều cao và liên tục trong nhiều năm nhưng lại thiếu bón phân hữu cơ vì sẽ làm cho đất thoái hóa, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có hại phát triển và dẫn tới hậu quả là sản xuất không bền vững. Nếu thiếu phân chuồng, phân rác thì sử dụng các loại phân đã có tín nhiệm trên thị trường như: Sinh hóa hữu cơ, hữu cơ vi sinh, phân phun lá…
Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra: Để đạt năng suất cà phê đạt 3 tấn nhân/ha thì tỷ lệ NPK là 3:1:3 và lượng cần dùng là: 300-350 kg N, 90-120 kg P và 300-350 kg K (tính nguyên chất). Dùng phân bón hữu cơ sẽ sản xuất ra sản phẩm cà phê sạch và sản xuất bền vững.
7. Các biện pháp kỹ thuật chăm sóc thông thường như:
Chiều cao hãm ngọn, sửa cành tạo hình, cắt, vặt chồi vượt, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh phải thực hiện nghiêm túc như quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn.
8. Kinh doanh tổng hợp trên lô trồng cà phê:
Trồng xen một số cây ăn quả có giá trị, có đầu ra tốt. Cho hồ tiêu leo lên cây bóng mát và những cây chắn gió ở xung quanh bờ lô cũng là biện pháp tăng thêm hiệu quả kinh tế của sản xuất và tạo ra tiểu khí hậu có lợi cho lô cà phê, góp phần vào sản xuất bền vững.
Tóm lại, để thực hiện tái canh cà phê nhằm đưa lại hiệu quả bền vững thì phải áp dụng đồng bộ những biện pháp kỹ thuật như trong quy trình mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành.
PGS.TS Phan Quốc Sủng
(Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cà phê Việt Nam)

Ý kiến bạn đọc