Multimedia Đọc Báo in

Tây Nguyên: Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

14:14, 24/05/2013

Trong thời kỳ chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa năm 2013 vừa qua, thời tiết ở Tây Nguyên đã có nhiều biến động. Mưa dông kèm theo sấm sét, lốc xoáy và mưa đá đã xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại nặng về người và tài sản của nhân dân. Con số thống kê ban đầu cho thấy số trận dông sét (gây chết người), lốc xoáy và mưa đá đã xuất hiện nhiều hơn bất cứ năm nào trong vòng 10 năm qua, và cũng có mức độ cũng khốc liệt, gây hại nhiều nhất. Tại các tỉnh Dak Lak, Gia Lai, Kon Tum, mỗi tỉnh đã có từ 5 - 7 trận mưa dông có kèm theo sấm sét, gió lốc hoặc mưa đá gây thiệt hại, trong đó có 4 người chết (do sét đánh) và làm tốc mái, sập đổ hàng trăm ngôi nhà cùng nhiều diện tích cây trồng. Các tỉnh Lâm Đồng, Dak Nông số lượng các trận dông sét, lốc xoáy và mưa đá xuất hiện ít hơn nhưng mức độ gây hại lại rất lớn, đã có 1 ngướt chết tại Dak Nông và Dak Lak do sét đánh, đặc biệt tại tỉnh Lâm đồng, mưa đá lịch sử đã xảy ra tại TP. Đà Lạt gây thiệt hại gần 6 tỷ đồng. Sự xuất hiện nhiều lên đột biến của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm ở trên là dấu hiệu cho thấy sự tác động của biến đổi khí hậu đến diễn biến thời tiết, thủy văn ở Tây Nguyên ngày càng rõ nét.

Một cơn lũ quét ở Kon Tum năm 2009.
Một cơn lũ quét ở Kon Tum năm 2009.

Tây Nguyên đã chính thức bước vào mùa mưa năm 2013, tình hình thời tiết được dự báo là sẽ tiếp tục có những diễn biến bất thường trong thời gian tới. Những trận mưa dông kèm theo sấm sét, lốc xoáy hoặc mưa đá có thể sẽ ít xảy ra hơn thời gian vừa qua nhưng nguy cơ xảy ra các loại hình thiên tai khác, nguy hiểm hơn là lũ quét và sạt lở đất lại rất lớn. Lũ quét và sạt lở đất trong thời kỳ đầu mùa mưa thường xảy ra khi có tác động của cả yếu tố tự nhiên và nhân tố địa phương. Thời kỳ đầu mùa mưa, các trận mưa có thời gian mưa ngắn nhưng lượng mưa lại khá lớn (cường độ mưa mạnh), nên dù chỉ là một trận mưa dông xảy ra ở một địa phương nào đó (không phải là mưa to trên diện rộng như thời kỳ giữa và cuối mùa mưa) cũng có thể kết hợp với các tác nhân khác khác gây lũ quét hoặc sạt lở đất. Tác nhân khác ở đây là chính là những khu vực đất đai bị san ủi quá mức; những vùng đất dốc có cây rừng nhưng đã bị chặt phá; lòng sông, khe suối bị chặn, lấp thành nhiều tầng, đoạn; hoặc cũng có thể là các công trình hồ, đập xuống cấp, hư hỏng chưa được sửa chữa nên không còn khả năng điều tiết và không chịu đựng được lượng nước dồn về đột ngột, dễ bị vỡ khi có mưa lớn.

Giống như lốc xoáy, sét hay mưa đá, lũ quét và sạt lở đất xảy ra rất bất ngờ, khó dự báo trước nên hạn chế khả năng phòng chống và thường gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất sẽ giảm đáng kể nếu công tác phòng tránh được thực hiện một cách chủ động, có trách nhiệm. Nếu như lốc xoáy, sét, mưa đá có thể xảy ra khi bắt đầu có mưa dông và ở bất cứ nơi dâu thì sạt lở đất và lũ quét chỉ xảy ra sau khi đã có mưa được một thời gian nhất định. Sạt lở đất chỉ xảy ra ở những nơi đất dốc, xung yếu, đất ven sông suối; lũ quét cũng chỉ xuất hiện ở những thung lũng sông, suối, hoặc khu vực hạ lưu của các hồ, đập,… Những nơi này chúng ta hoàn toàn có thể khảo sát để biết trước nguy cơ và đặt biển cảnh báo.

Những diễn biến bất thường của thời tiết và sự gia tăng của các loại hình thiên tai đòi hỏi sự nỗ lực chung các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân các địa phương trong công tác phòng chống, để góp phần giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguyễn Văn Huy

(Trung tâm KTTV tỉnh Kon Tum)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.