Multimedia Đọc Báo in

Chất thải y tế: Thách thức trong công tác bảo vệ môi trường

14:03, 03/07/2013

Kỳ cuối: Cần những giải pháp đồng bộ và cấp thiết

Thiếu nguồn kinh phí, hệ thống xử lý, công nghệ thô sơ là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rác thải y tế đang là vấn đề "nóng" đối với hầu hết các bệnh viện và toàn xã hội.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính là bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, ngành Y tế còn phải thực hiện các biện pháp khác như: Quan trắc môi trường y tế; đánh giá  tác động môi trường của các dự án do Bộ Y tế phê duyệt; xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra các tiêu chuẩn về vệ sinh nước sinh hoạt, nước ăn uống, tiêu chuẩn vệ sinh của các công trình vệ sinh công cộng; đặc biệt đánh giá tác động của môi trường đối với sức khỏe người dân, tác động của các chất gây ô nhiễm như chất độc màu da cam…; quản lý và phân bổ các nguồn kinh phí, vốn của các dự án và nguồn tài trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong hoạt động của ngành nói chung, các bệnh viện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là kinh phí, trang thiết bị thiếu thốn, giải pháp về công nghệ cho các hoạt động bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, hệ thống, năng lực cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường ngành Y tế chưa được kiện toàn, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Sự phân công, phân nhiệm của các ngành trong quản lý chất thải chưa rõ ràng và thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo, thực hiện vấn đề này.

Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột được đầu tư xây dựng theo công nghệ hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột được đầu tư xây dựng theo công nghệ hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên trung bình mỗi năm phục vụ việc khám chữa bệnh cho gần 100.000 lượt bệnh nhân. Với số lượng bệnh nhân lớn như vậy nên lượng rác thải phát sinh cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên hiện nay công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại lại còn nhiều khó khăn, bất cập. Trước thực trạng này, bác sĩ Phạm Minh Hải, Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ: "Mặc dù nhận thức được tác hại của rác thải y tế, đặc biệt là các chất thải độc hại nhưng chúng tôi không đủ khả năng để xử lý. Nguyên nhân chính là chưa được sự quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý cả chất thải rắn và chất lỏng. Những năm qua, bệnh viện phải hợp đồng với đơn vị khác để vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Vì vậy, chúng tôi không đòi hỏi kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý chất thải riêng của bệnh viện, mà chỉ cần toàn tỉnh có một điểm xử lý chung cho các bệnh viện để bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng". Được biết, hiện bác sĩ Hải ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn kiêm nhiệm công việc phụ trách môi trường của bệnh viện. Điều này cho thấy, công tác đầu tư, bảo vệ môi trường không những thiếu thốn về vật chất mà ngay cả mạng lưới cán bộ chuyên trách ở bệnh viện vẫn còn là một vấn đề nan giải. Bên cạnh đó, việc không thực hiện đầy đủ các yếu tố, tiêu chuẩn vệ sinh môi trường theo quy định là điều không tránh khỏi.

Hay tại Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền tỉnh, năm 2012 bệnh viện chỉ mới được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng, riêng việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại thì vẫn đang phải "nhờ" đơn vị khác. Cũng như bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên, hiện đơn vị vận chuyển, xử lý lại chưa có Giấy phép quản lý chất thải nguy hại. Với hầu hết các bệnh viện, việc xử lý chất thải không hiệu quả và chưa bảo đảm đều bắt nguồn từ việc thiếu kinh phí. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện tại Sở không đủ kinh phí để hỗ trợ các bệnh viện xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế. Tuy nhiên, theo kế hoạch của UBND tỉnh thì hiện địa phương đang đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải và bãi xử lý chất thải rắn, trong đó có hệ thống xử lý chất thải y tế. Ngành Y tế tỉnh nhà cũng mong rằng dự án này sẽ sớm triển khai và đưa vào hoạt động để cải thiện vấn đề môi trường, nhất là xử lý chất thải y tế ở các bệnh viện để nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người. Được biết, dự án xây dựng bãi rác thành phố giai đoạn 2 được phê duyệt từ năm 2007 với tổng nguồn vốn gần 66 tỷ đồng (trong đó có cả hệ thống xử lý rác thải y tế) nhưng do mới giải ngân hơn 10 tỷ đồng nên việc nâng cấp, cải tạo bãi rác còn là chuyện "xa vời". Đối với nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, UBND tỉnh đã có chủ trương quy hoạch nhưng vẫn chưa biết khi nào thực hiện dự án.

 Thiết nghĩ, để công tác bảo đảm vệ sinh môi trường ở các bệnh viện có hiệu quả, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề xử lý rác thải y tế như: Tăng ngân sách cho việc xây dựng mới và ngân sách dài hạn hằng năm để duy trì các hệ thống xử lý rác thải y tế hoạt động, vận hành thường xuyên và đủ công suất. Đồng thời, đây cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó thiết yếu là các cơ sở khám chữa bệnh, do đó mỗi bệnh viện cần đầu tư kinh phí và trang thiết bị phục vụ xử lý chất thải và nên thay thế dần phương pháp thủ công lạc hậu, bằng hệ thống công nghệ hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Mong rằng, chính quyền các cấp nên có những giải pháp đồng bộ và thiết thực bởi đây là việc làm cấp thiết để vấn đề ô nhiễm môi trường bệnh viện không còn là mối nguy hại chung cho toàn xã hội.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc