Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường

09:52, 01/08/2014
Theo khảo sát của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Cư Kuin, hiện trên địa bàn huyện còn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ trong khu dân cư, bao gồm các ngành nghề: xay xát, mộc,  giết mổ động vật, phế liệu, chăn nuôi... chưa thực hiện Đề án bảo vệ môi trường (ĐABVMT) hay Cam kết bảo vệ môi trường (CKBVMT) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2005.
 
Đơn cử như trại gà của chị Trần Thị Kim Dung tại thôn 4 xã Ea Ktur xây dựng từ  cuối năm 2010, có diện tích chuồng trại 480 m 2 chăn nuôi gần 4.000 con gà thịt. Trại nằm trong rẫy cà phê, cách xa nhà ở; có nhà tạm, nhà vệ sinh cũng như nguồn nước đảm bảo, ngoài ra còn thực hiện vệ sinh tẩy trùng thường xuyên 2 lần/ tuần, hạn chế mùi hôi từ phân gia cầm... Tuy nhiên, trại gà này chưa làm ĐABVMT nên thiếu sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng. Tương tự, gia đình ông Hồ Minh Phú ở thôn 2 cũng có 2 trại gà với quy mô mỗi trại 400 m 2, nuôi tổng cộng hơn 6.000 con gà. Nhìn chung, cơ sở chăn nuôi của ông bảo đảm vệ sinh môi trường, nhưng cũng như hơn 10 hộ làm trang trại nuôi gà thịt trên địa bàn xã, ông vẫn chưa làm ĐABVMT hoặc CKBVMT, nếu xảy ra dịch bệnh hay các tình huống khác làm ảnh hưởng tới vật nuôi, môi trường... sẽ gây khó khăn cho việc xử lý của cơ quan chức năng. Sau khi các đoàn thanh tra của huyện phát hiện, nhắc nhở hay xử phạt, những hộ này mới chủ động tìm kỹ sư môi trường hỗ trợ làm đề án.

Chị Dung cho biết: Không phải gia đình không biết hay cố tình không thực hiện làm ĐABVMT. Ngay từ khi đến xin giấy phép xây dựng, chị đã được cán bộ Phòng TN&MT huyện nhắc nhở, hướng dẫn làm ĐABVMT. Song chị vẫn thấy quy trình lập đề án khá phức tạp, sau khi nghiên cứu, làm đề án và nhiều lần đi lại mà vẫn bị cơ quan chức năng “chê” là còn sai sót, chị đành bỏ dở việc này. Mãi đến bây giờ, được địa phương vận động, hướng dẫn chu đáo, tháng 7 vừa qua, chị đã làm ĐABVMT cho trại gà của mình và đang đợi  phê duyệt.

Xã Ea Ktur là địa phương có nhiều hộ sản xuất kinh doanh, chăn nuôi quy mô nhỏ, nhiều nhất là chăn nuôi với 91 hộ. Trong thời gian qua, UBND xã đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường như họp đối thoại với người dân, tổ chức buổi trao đổi khoa học môi trường, hướng dẫn dùng chế phẩm sinh học để vệ sinh khử mùi... Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn xã vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Cư Kuin chưa thực hiện  Đề án bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Trại gà hơn 4.000 con của hộ Trần Thị Kim Dung ở thôn 4,  xã Ea Ktur.
Nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Cư Kuin chưa thực hiện Đề án bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Trại gà hơn 4.000 con của hộ Trần Thị Kim Dung ở thôn 4, xã Ea Ktur.

Theo thống kê của Phòng TN&MT huyện Cư Kuin, hiện nay toàn huyện có 95 hộ sản xuất kinh doanh và chăn nuôi gia súc, gia cầm làm CKBVMT và 23 hộ lập ĐABVMT (chiếm khoảng 60-70% tổng số hộ kinh doanh, chăn nuôi trên địa bàn huyện phải làm đề án, cam kết) đã trình cho Phòng xác nhận, lưu trữ. Còn lại hầu hết hoạt động này của người dân diễn ra một cách tự phát, chưa có các hồ sơ, thủ tục về môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận. Một số cơ sở chăn nuôi chưa có công trình xử lý chất thải đạt yêu cầu, xả chất thải ra môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ như chế biến mỳ bún, nấu rượu, nuôi heo, giết mổ động vật, gò hàn, phế liệu... gây tiếng ồn, phát sinh khí thải, bụi ảnh hưởng đến môi trường dân cư cũng chưa được giải quyết triệt để. Phòng đã tham mưu và phối hợp với cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Phòng NN&PTNT hằng năm lập các đoàn kiểm tra, khảo sát, nhắc nhở, tuyên truyền vận động bà con có ý thức thực hiện ĐABVMT hay CKBVMT, tránh để vi phạm cũng như bị xử phạt, đồng thời từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Ông Văn Tiến Sỹ, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Cư Kuin chia sẻ: Việc thống kê chính xác số hộ kinh doanh, chăn nuôi trên địa bàn huyện chưa thực hiện ĐABVMT hay CKBVMT rất khó khăn. Bởi qua khảo sát đã phát hiện có nhiều hộ đăng ký kinh doanh nhưng thực tế không hoạt động; một số cơ sở vắng mặt người đứng tên đăng ký kinh doanh; một số đã chuyển cơ sở kinh doanh đi nơi khác hay chuyển đổi hình thức kinh doanh, chăn nuôi; số ít lập cam kết nhưng chưa thực hiện đầy đủ... Bên cạnh đó còn nhiều cơ sở hoạt động “chui”, chỉ khi người dân phản ánh các cơ quan chức năng mới biết, dẫn đến nhiều trở ngại trong công tác thống kê, xử lý. Để hạn chế vấn đề này, huyện đã tăng cường tuyên truyền cho các chủ hộ biết rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình về việc bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chăn nuôi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản liên quan như Nghị định số 35/2014/NĐ của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, các chủ hộ sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi thuộc nhóm đối tượng theo quy định bắt buộc phải làm cam kết (hoặc làm đề án nếu đã hoạt động trước 5/6/2011) với UBND huyện và UBND xã về việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động.

 Việc nâng cao nhận thức người dân trong thực hiện ĐABVMT hay CKBVMT nhằm bảo vệ môi trường sẽ góp phần giúp huyện Cư Kuin sớm hoàn thành các nội dung của tiêu chí 17 về môi trường trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự quan tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể và sự tham gia tích cực của cộng đồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm về môi trường trong khu dân cư.

Đức Văn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.