Multimedia Đọc Báo in

Hãy giúp người mẹ trẻ chữa bệnh cho chồng và con

10:59, 02/07/2014
Năm 2010, chị Phan Thị Lành (SN 1989) kết hôn với anh Trần Hữu Thực (SN 1983). Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tuy nghèo nhưng luôn ngập tràn hạnh phúc.
 
Đầu năm 2011, anh Thực cảm thấy đau mắt, khó chịu rồi mắt mờ dần. Đi khám, bác sĩ kết luận anh Thực bị mắc bệnh glôcôm (dân gian thường gọi là bệnh cườm nước hay thiên đầu thống), lúc này chị Lành đang mang thai đứa con đầu lòng. Bệnh của chồng chưa khỏi, nỗi bất hạnh lại ập đến khi đứa con chưa kịp chào đời đã mất trong bụng mẹ do chị Lành khó sinh. Đến tháng 5-2013, vợ chồng chị Lành sinh được một bé gái bụ bẫm, đáng yêu đặt tên là Phương Vy. Niềm vui chưa được bao lâu, vợ chồng chị Lành lại hứng thêm nỗi bất hạnh khi đứa bé có biểu hiện bệnh mờ mắt giống cha. Bác sĩ kết luận cháu bị mắc chứng bệnh glôcôm bẩm sinh. Bệnh tình của hai cha con anh Thực ngày càng nặng, đến nay mắt trái của anh Thực đã mù hẳn, mắt phải chỉ còn 10%; còn cháu Phương Vy hai mắt đã trắng đục và sưng to, rất đau đớn và khó chịu.
Hai cha con anh Thực.
Hai cha con anh Thực.

Hơn một năm qua, để có tiền chữa trị cho chồng con, chị Lành phải bán hết tài sản trong nhà, vài sào rẫy được bố mẹ chia cho cũng phải bán.  Vợ chồng chị và đứa con nhỏ hiện đang sống trong căn nhà nhỏ mục nát, xiêu vẹo, bức vách phía trước phải dùng tấm bạt cũ rách để che mưa tạt, gió lùa, trong nhà không có thứ tài sản gì ngoài chiếc chiếu cũ trải cho khách ngồi tạm. Hằng ngày chị Lành đi lượm ve chai kiếm tiền nuôi chồng con, hôm nào nhiều cũng chỉ được 30-40 nghìn đồng. Những hôm hai cha con trở bệnh thì cả gia đình lại không có gì để ăn, có đợt cháu Phương Vy phải nằm viện hàng tháng. Do ăn uống không đầy đủ, suy nghĩ nhiều và lao động quá sức nên mấy năm nay chị Lành cũng đã kiệt sức, đau yếu. Ba năm qua, để có tiền đưa chồng và con đi chữa bệnh, chị đã vay hàng xóm, người thân hơn 80 triệu đồng. Anh Thực nói nghẹn ngào: “Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng I, TP. Hồ Chí Minh nói cháu Vy phải mổ nhưng hiện tại cháu còn quá nhỏ, lúc nào đau quá thì phải mổ gấp, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, chi phí cho việc mổ mắt tốn kém khoảng hơn 20 triệu đồng song vợ chồng tôi chẳng thể có được từng ấy tiền cho con mổ mắt bây giờ”.

Cùng cực, chị Lành tìm đến Hội Chữ thập đỏ huyện Cư M’gar nộp đơn xin hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cư M’gar cho biết: “Ngay sau khi nhận được đơn xin hỗ trợ của chị Phan Thị Lành, Hội Chữ thập đỏ huyện đã hướng dẫn Hội Chữ thập đỏ xã tiến hành các thủ tục đề xuất cứu trợ đặc biệt cho đối tượng, nhưng kinh phí địa phương hạn hẹp, địa bàn lại còn rất nhiều đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên hỗ trợ cho gia đình chị Lành cũng không được bao nhiêu”.

Gia đình chị Lành rất mong nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của những tấm lòng vàng để có thể chữa khỏi bệnh cho cháu Phương Vy và anh Thực. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Chị Phan Thị Lành, thôn 6, xã Ea Kpam, (huyện Cư M’gar), số điện thoại liên hệ: 0989.307.324; hoặc Quỹ “Tấm lòng vàng”,  Báo Dak Lak, 23 Lê Duẩn, TP.Buôn Ma Thuột.

   Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.