Multimedia Đọc Báo in

Đội mũ bảo hiểm: Ích lợi thiết thân vẫn cố “lách”

08:45, 21/05/2012

Ngày 15-12-2007, tất cả mọi người khi đi xe mô tô, xe gắn máy trên các tuyến đường đều phải đội mũ bảo hiểm. Đó là mốc quan trọng, đánh dấu một cuộc “cách mạng” trong công tác bảo đảm an toàn giao thông tại Việt Nam. Thật mừng khi một chủ trương đúng hiện đã trở thành thói quen của hầu hết người dân khi tham gia giao thông, nhưng bên cạnh đó vẫn không tránh khỏi những bất cập nảy sinh xung quanh câu chuyện chiếc mũ bảo hiểm này.

Vẫn còn những “lỗ hổng”

Chỉ một thời gian ngắn ngay sau khi quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô chính thức có hiệu lực, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy định “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”. Theo đó, các loại mũ không đạt "chuẩn", các kiểu mũ bảo hiểm thời trang cách điệu sẽ không được phép sản xuất, lưu hành. Thế nhưng các sạp bán mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn mọc lên nhan nhản tại các chợ trung tâm, phố thị đến nông thôn. Một tấm biển quảng cáo viết tay nguệch ngoạc đôi dòng trưng trên vỉa hè, thế là người bán đã có thể hành nghề công khai và người mua tha hồ lựa chọn. Thậm chí, nó còn được bán cơ động trên những chiếc xe đẩy. Hơn thế những chiếc “nồi cơm điện” không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, không tem kiểm định chất lượng, không địa chỉ sản xuất này còn “sánh vai” cùng những loại mũ có tên tuổi, thương hiệu tại các cửa hàng buôn bán có quy mô. Chủ cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên đường Nơ Trang Lơng, TP. Buôn Ma Thuột chua chát: “Phải bán thập cẩm, đủ thể loại để “sống chung với lũ” và giữ chân khách hàng thôi. Mình không bán thì người ta vẫn bán”. Rẻ và đẹp, đó chính là những yếu tố mấu chốt để mũ bảo hiểm không hợp quy, hàng nhái vẫn có “đất sống”. Chỉ cần bỏ ra từ 20-60.000 đồng, “thượng đế” đã có thể sở hữu một chiếc mũ bảo hiểm có màu sắc, kiểu dáng thời trang, bắt mắt. Vậy là vừa đẹp lại qua mặt được cơ quan chức năng khi tham gia giao thông (!?).

Mũ bảo hiểm kém chất lượng được bán lưu động trên phố.
Mũ bảo hiểm kém chất lượng được bán lưu động trên phố.

Nhìn nhận một cách thẳng thắn và nghiêm túc, “lỗ hổng” này cũng cho thấy một “khoảng trống” không nhỏ trong ý thức và thái độ chấp hành của người tham gia giao thông. Thực tế với những chiếc mũ bảo hiểm giá rẻ như bèo ấy, bằng mắt thường người tiêu dùng cũng có thể tự kiểm định sơ bộ về chất lượng của nó. Nhưng đáng trách là họ thừa biết mà  vẫn mua. Chuyện lạ nữa là chuẩn bị lấy xe máy đi đâu đó, nếu có nhắc nhau nhớ đội mũ bảo hiểm, mấy ai nghĩ đến lý do trước tiên là để bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông mà phần đa là vì sợ…bị phạt. Đó là tâm lý đội mũ bảo hiểm cho có, để đối phó với cảnh sát giao thông, trong khi bản chất, mục đích của việc xử phạt đối với những người vi phạm là nhằm răn đe, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành và quan trọng nhất là vì an toàn tính mạng của mỗi người.

Đủ lý để “lách”

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý I-2012 được tổ chức ngày 21-3 vừa qua, một số đại biểu chia sẻ băn khoăn về những bất cập trong quá trình quản lý, kiểm tra, xử phạt về tình trạng mũ bảo hiểm kém chất lượng bày bán tràn lan. Đó là mũ bày bán ở vỉa hè, bán dạo có giá từ 20-60.000 đồng/chiếc, không đúng quy chuẩn đã rõ. Nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra, các chủ hàng vin cớ, họ bán loại mũ này đâu phải dành riêng cho người đi xe máy, người mua và sử dụng để đội khi tham gia giao thông đâu phải lỗi của họ. Còn những người sử dụng loại mũ này lại đưa ra cái lý rằng, thấy bán thì họ mua, thấy hình dáng giống mũ bảo hiểm thì mua về đội theo đúng quy định của Chính phủ, họ không có chuyên môn nên không biết nó có đạt chuẩn hay không; hơn nữa có phạt thì phạt tận “gốc” là người sản xuất.

Trước những bất cập này, vừa qua, liên Bộ (Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Công an và Giao thông Vận tải) đã có Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. Theo đó đối tượng áp dụng của Dự thảo Thông tư này bao gồm cả 4 đối tượng: sản xuất, nhập khẩu (đầu vào), kinh doanh mũ bảo hiểm (người bán hàng) và người sử dụng (người đội mũ bảo hiểm). Dự thảo quy định áp dụng mức phạt với người đội mũ không phải là bảo hiểm như người không đội mũ bảo hiểm. Thông tư còn mang tính răn đe, đào tạo, hướng dẫn cho người dân biết thông tin về mũ bảo hiểm nào là bảo đảm chất lượng. Người kinh doanh biết bắt buộc phải có đăng ký kinh doanh, cung cấp tên đại lý ủy quyền, phải có giấy chứng nhận hợp quy và mũ phải gắn dấu hợp quy. Đây chính là cơ sở pháp lý để lực lượng làm nhiệm vụ có thể có biện pháp giải quyết, xử lý khi vi phạm. Bên cạnh đó, Thông tư tập trung chính vào việc quy định các chế tài quản lý các nhà sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh mũ bảo hiểm.

Theo số liệu thống kê, số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan tới xe máy chiếm trên 70%. Trong các chấn thương do tai nạn giao thông liên quan tới xe máy, chấn thương sọ não chiếm khoảng 2/3 và tỷ lệ tử vong rất cao hoặc mang di chứng nặng nề trở thành tàn phế. Đội mũ bảo hiểm là một trong những biện pháp hiệu quả để hạn chế các chấn thương ở vùng đầu khi xảy ra tai nạn. Sử dụng những chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng coi chừng “mất tiền mua họa vào thân”.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.