Multimedia Đọc Báo in

Sau khi uống rượu, bia tham gia giao thông: Hiểm họa khôn lường

06:05, 04/05/2012

Điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia đang trở thành vấn nạn gây ra những hiểm họa khôn lường, không chỉ mang lại tai nạn cho chính mình mà còn gây tai nạn cùng những đau thương, mất mát cho những người khác…

Hiểm họa và những bài học đắt giá

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Dak Lak trong các năm gần đây xảy ra trên 300 vụ tai nạn giao thông (TNGT) mỗi năm, làm chết trên 300 người, bị thương gần 300 người. Năm 2011, Dak Lak đã giảm được số vụ TNGT từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 6 và là 1 trong 7 địa phương giảm được TNGT liên tục 3 năm liền của cả nước, nhưng số vụ TNGT xảy ra vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, trong năm 2011 trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 293 TNGT đường bộ, làm chết 311 người, bị thương 181 người, hư hỏng 411 phương tiện giao thông các loại và xảy ra 333 vụ va chạm giao thông đường bộ, làm bị thương 505 người. Riêng trong quý I - 2012 trên địa bàn tỉnh xảy ra 62 vụ TNGT, làm 70 người chết, 39 người bị thương, hư hỏng 76 phương tiện giao thông các loại… Các yếu tố nguy cơ như không đội mũ bảo hiểm, đi quá tốc độ, chở quá tải, đặc biệt là uống rượu, bia lái xe là những nguyên nhân chủ yếu gây TNGT.

Sau khi uống rượu, bia  tham gia  giao thông  là một trong những nguyên nhân  chủ yếu  gây TNGT
Sau khi uống rượu, bia tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây TNGT.

Có thể thấy tình trạng uống rượu bia xong vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông diễn ra ở mọi lúc mọi nơi, mọi thành phần và nhiều lứa tuổi. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra bởi lý do mất kiểm soát, không làm chủ được tay lái của các “đệ tử Lưu Linh” sau cuộc nhậu. Có trường hợp vì say, điều khiển phương tiện đâm vào trụ điện, lề đường, vào người đi đường gây tai nạn rất đáng tiếc. Không ít trường hợp, khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu kẻ gây tai nạn vẫn còn chưa tỉnh rượu, mê man, nôn mửa, người nồng nặc mùi cồn… Đơn cử như vụ tai nạn của anh L.V.M tại thôn 6, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar), những người biết chuyện vẫn luôn cảm thấy xót lòng mỗi khi nhắc đến: Sau khi đi ăn cỗ tại nhà người quen về do trong người đã chếnh choáng hơi men không làm chủ được bản thân, anh đã lái xe đâm vào cột bê tông bên vệ đường. Mặc dù được người dân gần đó kịp thời phát hiện và đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên anh đã tử vong khi tuổi đời còn rất trẻ (33 tuổi), để lại người vợ và hai đứa con thơ. Hay như vụ tài xế ô tô uống rượu bia gây tai nạn vào ngày 12-4 vừa qua trên đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột) cũng là lời cảnh tỉnh đến những người có thói quen “quá chén”: Ông N.T.D (trú tại Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) sau khi uống rượu, bia vẫn lái xe ô tô trên đường. Do thiếu quan sát, không giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước, không làm chủ tốc độ và lấn qua làn đường dành cho xe ô tô khách và xe tải nên xe ông đã đâm vào đuôi xe một ô tô khác đang có tín hiệu rẽ phải và gây tai nạn...

Ý thức người tham gia giao thông – vấn đề mấu chốt

Theo quy định, đối với người điều khiển mô tô vi phạm có nồng độ cồn vượt quá từ 0,25-0,4 miligam/lít khí thở thì mức xử lý hành chính trung bình từ 200.000- 400.000 đồng; nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam thì sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng và tạm giữ xe 10 ngày. Đối với người điều khiển ô tô có nồng độ cồn thấp hơn 0,25 miligam/lít khí thở sẽ phải chịu mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng, mức trung bình là 5 triệu đồng và tạm giữ xe 10 ngày. Tuy đã có nhiều bài học nhãn tiền và các chế tài xử phạt cụ thể, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh, răn đe đối với những người vi phạm.

Thiết nghĩ, để hạn chế TNGT do rượu bia cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó yếu tố ý thức - văn hóa của người tham gia giao thông là quan trọng nhất. Mỗi người cần có ý thức tự giác và hiểu rõ được sự nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia với nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Đồng thời cần cương quyết từ chối uống rượu, bia nếu sau đó phải lái xe và chỉ điều khiển phương tiện khi đã đủ tỉnh táo, bảo đảm sức khỏe. Trong trường hợp đã uống rượu, bia nên sử dụng các phương tiện công cộng hoặc để những người không uống rượu, bia điều khiển phương tiện. Đồng thời, nên cảnh báo người thân của mình về vấn đề sử dụng bia, rượu và an toàn giao thông… Các biện pháp cưỡng chế chỉ là giải pháp cuối cùng để xử lý chứ không phải là giải pháp phòng, tránh và mọi biện pháp sẽ chỉ như “muối bỏ bể” nếu như thiếu đi ý thức của mỗi người dân.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc