Multimedia Đọc Báo in

Những giải pháp phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản

09:27, 25/11/2011

Thời gian qua, tình hình hoạt động tội phạm trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản do các băng nhóm gây ra. Trước diễn biến của tội phạm, qua nghiên cứu đánh giá tình hình, CA tỉnh đã tập trung chỉ đạo đấu tranh chống tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản.

Sau hai tháng triển khai đấu tranh (tháng 9 và tháng 10-2011), cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ 15 băng nhóm tội phạm chuyên cướp giật, trộm cắp tài sản gồm 111 đối tượng; trong đó có 9 nhóm trộm cắp với 70 đối tượng, 6 nhóm cướp giật với 41 đối tượng. Lực lượng công an đã khởi tố bắt 89 đối tượng và đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý. Qua đấu tranh, các nhóm đối tượng khai nhận đã gây ra 151 vụ trộm cắp và cướp giật tài sản với thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác trong bảo quản tài sản của người dân để chiếm đoạt. Một số vụ điển hình như: nhóm 7 đối tượng gồm Trần Thế Hùng (SN 1989), trú thôn 8, thị trấn M’Drak (huyện M’Drak); Trần Công Thuần (SN 1990), trú tổ 2, khối 6, phường Tân Lập (TP.Buôn Ma Thuột); Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1992), trú thôn 3, xã Ea Khanh (Ea H’leo); Nguyễn Tấn Hòa (SN 1990), trú xã Cư Pơng (Krông Buk); Hồ Ngọc Thắng (SN 1992), hộ khẩu tại khu phố 7, phường 5, thị xã Đông Hà (tỉnh Quảng Trị); Nguyễn Chí Lộc (SN 1994), trú thôn 5, xã Ea Đrơng (Cư M’gar); Nguyễn Công Lộc (SN 1993), trú thôn 16, xã Ea Riêng (M’Drak) khai nhận đã thực hiện 19 vụ trộm cắp tài sản bằng hình thức cắt khóa ban đêm. Tài sản trộm cắp được mang về bán cho các đối tượng Nguyễn Thị Hương (SN 1968) và Nguyễn Văn Toàn (SN 1988), cùng trú tại tổ 1, khối 6, phường Tân An (TP.Buôn Ma Thuột). Hay nhóm 4 đối tượng cướp giật tài sản gồm Nguyễn Ngọc Huy (SN 1991), trú tại 25 Nguyễn Viết Xuân (TP.Buôn Ma Thuột); Bùi Hoàng Mạnh (SN 1991), trú tại liên gia 3, tổ dân phố 7, phường Tự An; Phạm Anh Tuấn (SN 1992), trú tại 15 Mai Thị Lựu và Lê Thanh Toàn (SN 1992), trú 139 Y Nuê (TP.Buôn Ma Thuột) đã thực hiện 19 vụ cướp giật tài sản trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột, tài sản cướp giật chủ yếu là điện thoại di động và ví đựng tiền. Hoặc đối tượng Phạm Thanh Minh (SN 1982), hộ khẩu tại phường Phú Hội (TP.Huế) đã có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản, khi vào tạm trú tại TP.Buôn Ma Thuột đã tiếp tục gây ra 16 vụ trộm cắp tài sản.

Đối tượng Trần Văn Tuyển (SN 1985), trú tại tổ dân phố 2, phường Ea Tam – TP. BMT bị CA TP. BMT khởi tố về tội trộm cắp tài sản.          Ảnh: Trọng Tính
Đối tượng Trần Văn Tuyển (SN 1985), trú tại tổ dân phố 2, phường Ea Tam – TP. BMT bị CA TP. BMT khởi tố về tội trộm cắp tài sản. Ảnh: Trọng Tính
Có thể nói, kết quả trong công tác đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm trong thời gian qua đã góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, qua quá trình đấu tranh cho thấy, đối tượng phạm tội tập trung ở lứa tuổi từ 18-30 tuổi, đáng lo ngại là đối tượng dưới 18 tuổi hoạt động có xu hướng gia tăng. Hầu hết những đối tượng này đều có tính đua đòi, bỏ học sớm, thích uống bia rượu, hút thuốc, cờ bạc, thường chơi game online, xem phim ảnh có nội dung không lành mạnh, xuất phát từ những gia đình có hoàn cảnh phức tạp như cha mẹ ly thân, đi làm ăn ở xa… nên thiếu sự kèm cặp, quản lý, giáo dục của gia đình, một số đối tượng nghiện ma túy, tụ tập chơi bời lêu lổng từ đó thành lập các băng nhóm để hoạt động tội phạm. Việc xảy ra các vụ trộm cắp, cướp giật còn có một phần nguyên nhân do ý thức tự bảo quản tài sản của người dân chưa cao. Nhiều người có thói quen để xe máy trước nhà không rút chìa khóa; cửa khóa lỏng lẻo, sơ sài; ở nhà sau nhưng không khóa cửa trước; đi vắng dài ngày không ai trông coi tài sản… đã tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm trộm cắp các loại tiền vàng, đồ mỹ nghệ, tượng gỗ, lục bình, cây xanh… có giá trị lớn. Một số cơ quan, doanh nghiệp không cắt cử người bảo vệ hoặc có bảo vệ nhưng rất lỏng lẻo, các đối tượng đột nhập vào cạy cửa hàng chục phòng, lấy đi các đồ vật có giá trị nhưng bảo vệ không phát hiện được. Nhiều người khi đi đường thường đeo nhiều đồ trang sức có giá trị lớn, đeo túi xách trên vai, sử dụng điện thoại di động trên đường… đã trở thành nạn nhân của các vụ cướp giật tài sản. Bên cạnh đó, vai trò tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm của người dân và các ban ngành, tổ chức xã hội chưa cao, vẫn còn tư tưởng đấu tranh phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ của riêng lực lượng công an. Sự phối hợp trong phòng ngừa tội phạm ở 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội thiếu đồng bộ. Công tác cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại cộng đồng dân cư chưa thật hiệu quả; việc hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng còn mang tính hình thức, chung chung, chưa thật sự được quan tâm. Việc chọn những vụ án điểm đưa ra xét xử công khai chưa thật  thường xuyên, do đó công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và răn đe tội phạm chưa kịp thời và hiệu quả.

Từ những bất cập, hạn chế nói trên, để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản, thiết nghĩ các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 48/CT-TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, quan tâm, chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm sâu sát, thường xuyên và liên tục, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể xã hội và của toàn dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm của người dân. Những nạn nhân, nhân chứng trong các vụ án xảy ra cần tích cực hợp tác, tố giác tội phạm với cơ quan công an để điều tra, làm rõ và truy bắt các đối tượng gây án kịp thời. Gia đình, nhà trường và xã hội có sự phối hợp trong quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, học sinh về lối sống, kiến thức pháp luật. Ủy ban MTTQVN và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để vận động, giám sát, tổ chức kiểm điểm, giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật tại khu dân cư; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, thiết thực góp phần hạn chế các trò chơi bạo lực, game online nhằm làm giảm nguyên nhân phát sinh tội phạm. Ngành công an cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiệp vụ, quản lý chặt địa bàn, đối tượng, nhất là những đối tượng không có nghề nghiệp, lao động tự do, có tiền án tiền sự, các nhóm thiếu niên tụ tập ăn chơi… để có biện pháp giáo dục kịp thời; tăng cường tuần tra, kiểm soát những địa bàn dễ xảy ra hoạt động phạm tội; quản lý chặt chẽ những nơi mà đối tượng tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Ngoài ra, ngành Lao động, Thương binh – Xã hội cũng cần thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, MTTQVN và các tổ chức thành viên tăng cường công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ tạo việc làm cho người phạm tội trở về địa phương sinh sống.

Đại tá Đoàn Quốc Thư (Phó Giám đốc Công an tỉnh)

Ý kiến bạn đọc