Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với thủ đoạn móc túi trên xe buýt, xe khách

08:51, 14/09/2012

Báo Dak Lak Nguyệt san tháng 8-2012 đã đăng bài viết “Móc túi, lừa đảo trên xe khách: Chuyện không bao giờ cũ” của tác giả Minh Chi. Nhân đây, với những kinh nghiệm của mình, tôi xin bổ sung thêm một số thủ đoạn của bọn móc túi trên các tuyến xe buýt, xe khách để mọi người cảnh giác.

Sống ở huyện nhưng làm việc ở TP.Buôn Ma Thuột nên tôi thường xuyên đi về bằng xe buýt. Tôi thường đón xe ở trạm xe buýt Km3 và trước Siêu thị Coopmart nên có nhận dạng được một số tên móc túi. Bọn chúng có từ 5-7 người, trong đó có 2 phụ nữ thường đeo khẩu trang, một người dáng gầy và một người mập mạp. Ngoài ra còn có một người đàn ông nhỏ con, thường đeo kính cận vẻ rất trí thức, giày dép khá bảnh bao; một người khác dáng người gầy và cao, hay cầm áo khoác trên tay. Thủ đoạn của bọn chúng thường là: khi xe buýt vừa tới trạm dừng đón khách thì chúng cũng nhảy lên xe như hành khách bình thường, 1 tên lên xe và 1 tên đứng ngay đằng sau lưng. Tên lên trước đưa một tay làm bộ đẩy hành khách lên (thường chúng đã chọn sẵn “con mồi” trong khi chờ xe), tay còn lại thò vào túi, ba lô, túi xách… để móc đồ; khi móc xong thì chuyền cho tên đứng sau lưng tẩu thoát. Trong trường hợp chưa móc được gì chúng cũng theo lên xe buýt và tiếp tục tìm cách móc đồ, sau đó đến trạm gần nhất thì nhảy xuống. Với thủ đoạn này, chúng đã khiến nhiều hành khách rơi vào tình cảnh rất thương tâm. Có lần, trên chuyến xe buýt tôi đi từ trạm Km3, có một cậu thanh niên chừng 15, 16 tuổi, dáng rất khốn khổ vừa khóc vừa kêu mình bị móc hết tiền. Cậu ta kể rằng nhà rất nghèo, mẹ bệnh nặng, cậu đi làm thuê ở Dak Nông mấy tháng mới dành dụm được 1 triệu đồng mang về chữa bệnh cho mẹ mà bị bọn móc túi lấy sạch, không còn đồng nào. Cám cảnh, tôi đã cho cậu tiền để mua vé xe về huyện Ea Kar. Đáng thương nữa là nhiều cụ già lên xe rồi mới biết mình bị mất tiền, không còn tiền mua vé xe buýt về nhà.

Ngoài thủ đoạn nói trên, bọn móc túi còn “hành nghề” trên những xe khách “dù”. Bọn chúng canh những chuyến xe “dù” chạy vòng vòng bùng binh Km3 để đón khách, khi thấy xe nào nhiều khách là bọn chúng nhảy lên xe, quan sát và chọn “con mồi” rồi sà đến ngồi gần, sau đó giả bộ đau bụng, đau đầu… tìm cách lôi kéo sự chú ý, khiến “con mồi” mất tập trung là ra tay. Sau khi lấy được tài sản, bọn chúng làm bộ xin xuống xe gấp để đi vệ sinh hoặc mua thuốc uống…

Có lần tôi cũng lân la hỏi thăm những người chạy xe ôm quanh các điểm dừng, đón xe buýt về bọn móc túi; rất nhiều người biết bọn này nhưng không dám báo hoặc lên tiếng lúc chúng hành động vì sợ bị trả thù. Tôi cũng từng nghe công an các phường từng bắt bọn móc túi này song thường chỉ đưa về phường làm cam kết, phạt hành chính rồi lại thả hoặc đối với những trường hợp tài sản bị móc túi có giá trị lớn thì bọn chúng cũng chỉ bị xử giam vài ba tháng rồi đâu lại vào đấy.

Đình Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.