Multimedia Đọc Báo in

Đề nghị truy tố 4 đối tượng trong đường dây mua bán trực tuyến MB24

10:10, 05/08/2013

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa kết luận điều tra vụ án, đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố 4 đối tượng: Ngô Văn Chiến (SN 1980), Trần Văn Sự (SN 1975), cùng trú tại xã Cư Yang, huyện Ea Kar; Đặng Anh Tuấn (SN 1980, trú tại phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) và Bùi Thị Chiên (SN 1977, trú tại thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Vào ngày 1-8-2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra hành chính tại 2 chi nhánh của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (gọi tắt là MB24) trên địa bàn Dak Lak, gồm Công ty MB24 chi nhánh Dak Lak (được thành lập vào tháng 10-2011, có trụ sở tại xã Ea Đar (huyện Ea Kar, do Ngô Văn Chiến làm Giám đốc) và Công ty MB24 chi nhánh Buôn Ma Thuột (được thành lập vào tháng 12-2011, có trụ sở tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, do Bùi Thị Chiên làm Giám đốc). Quá trình kiểm tra xác định 2 chi nhánh này hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử, nhưng chưa được Bộ Công thương cấp phép hoạt động theo quy định tại điều 10 của Thông tư số 46/2010/TT-BCT ngày 31-12-2010 của Bộ Công thương quy định về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử. Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến có trụ sở chính tại Từ Liêm (Hà Nội), có ngành nghề kinh doanh: tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại, xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan…

Hoạt động của 2 chi nhánh MB24 tại Dak Lak được tập trung về một đầu mối dưới sự điều hành chủ yếu của 4 bị can là Ngô Văn Chiến, Trần Văn Sự, Đặng Anh Tuấn và Bùi Thị Chiên. Các bị can này đã trực tiếp gặp gỡ, giới thiệu cho nhiều người dân tham gia và mở các lớp tập huấn giới thiệu về dự án và nhận viết về website muaban24.vn để người dân được giao dịch mua, bán hàng hóa. Ban đầu, người tham gia hội viên được lập cho một gian hàng miễn phí trên website, nhưng gian hàng này không có tác dụng trưng bày sản phẩm, không có quyền mua hàng, không được giới thiệu người khác; chỉ khi nào người mua nộp 5,2 triệu đồng thì gian hàng đó mới được “nâng cấp”, mới có thể giao dịch, mời hội viên khác tham gia để hưởng hoa hồng. Khi hội viên giới thiệu được người tham gia sẽ hưởng hoa hồng 1,5 triệu đồng/người nếu được giới thiệu trực tiếp, hưởng thêm 320.000 đồng/người được giới thiệu gián tiếp và hội viên cấp dưới càng nhiều thì hoa hồng càng cao. Hội viên phát triển càng nhiều gian hàng thì thu nhập tăng dần theo sơ đồ “nhị phân cấp tiến bất đồng đẳng”. Các bị can còn bán ưu đãi dành riêng cho hội viên với giá rẻ hơn thị trường từ 5-40% một số mặt hàng ít giá trị để lôi kéo thành viên. Từ điều tra, kết luận của cơ quan Công an cho thấy đây là mô hình hoạt động kinh doanh không sinh lời mà chỉ dùng tiền của người sau trả cho người trước, khiến không ít người dân mất tiền oan ức.

Từ thời điểm bắt đầu hoạt động (10-2011) đến thời điểm bị bắt là tháng 8-2012, 2 chi nhánh MB24 tại Dak Lak đã lôi kéo 2.590 người dân tham gia, phát triển được 4.354 gian hàng với tổng số tiền thu được hơn 22,64 tỷ đồng chuyển về MB24 Hà Nội. Sau đó, MB24 Hà Nội trích thưởng hoa hồng cho 4 bị can số tiền 4,77 tỷ đồng. Trong đó, Ngô Văn Chiến hưởng hơn 1,54 tỷ đồng; Trần Văn Sự là 1,57 tỷ đồng; Đặng Anh Tuấn là 1,3 tỷ đồng và Bùi Thị Chiên là 343 triệu đồng. Ngoài 4 bị can, 2 chi nhánh tại Dak Lak phát triển được 11 hội viên VIP, có tổng số tiền hoa hồng được hưởng là 869,5 triệu đồng. Số tiền còn lại các đối tượng chủ chốt của MB24 tại Hà Nội chiếm hưởng.

Nhã Bình


Ý kiến bạn đọc