Multimedia Đọc Báo in

Bị lừa 1,2 tỷ đồng từ "bạn" trên Facebook

10:58, 28/10/2015

Vào đầu năm 2015, chị N.M.H. (trú ở Đắk Lắk) kết bạn với một người có nickname là Tony Miller trên mạng xã hội Facebook. Sau vài lần nhắn tin, hỏi thăm, Tony Miller tự giới thiệu mình sống, làm việc tại nước Anh, đang có dự án lớn tại nhiều nước ở châu Á, muốn về Việt Nam làm ăn, đồng thời có gửi một số món quà về cho chị H.

Sau khi đã trở nên thân thiết hơn, Tony Miller nói sẽ gửi 200.000 bảng Anh nhờ chị H. mua nhà ở Hà Nội để về sinh sống, làm việc.  Tuy nhiên, do tài khoản ở Việt Nam… nhỏ mà nhận số tiền lớn như thế thì phải đóng tiền để làm một số thủ tục mới nhận được tiền. Tin tưởng “bạn” nên chị H. đã đóng tiền để làm thủ tục, lần đầu gửi 34 triệu đồng, rồi tiếp tục sau đó cứ gửi liên tục vì chị H. nghĩ phải gửi đủ tiền rồi sau đó sẽ nhận lại số tiền đã đóng trước đó cùng 200.000 bảng Anh. Khi đã gửi khoảng 10 lần cho 4 tài khoản của “Ngân hàng” Metro Trust Bank 2 với số tiền là 1,2 tỷ đồng mà vẫn không nhận được tiền thì lúc này chị H. mới biết mình bị lừa và báo cơ quan công an. Sau một thời gian điều tra xác minh, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận “Ngân hàng” Metro Trust Bank 2 là không có thật! Đó chỉ là ngân hàng ảo mà các đối tượng đưa ra để lừa đảo người dân. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường là tạo một trang cá nhân có đăng tải những thông tin, hình ảnh mà bất kỳ người nào truy cập vào đều tin rằng chủ trang cá nhân này là người hiện sống và làm việc ở nước ngoài, có địa vị, giàu có và quan hệ xã hội rộng... Các đối tượng dùng nick Facebook ảo chủ động kết bạn với nạn nhân, sau đó nhắn tin qua lại làm quen, tạo mối quan hệ gắn bó, thân thiết đồng thời tìm hiểu các thông tin của nạn nhân. Khi đã tạo được lòng tin với nạn nhân, đối tượng tự tạo ra các tình huống giả, chẳng hạn như: có nhu cầu mua nhà, lập gia đình, gửi hàng, gửi tiền về Việt Nam cho người thân... Sau đó, để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, các đối tượng tiếp tục giả danh là nhân viên sân bay để liên lạc với  nạn nhân nói là có hàng, tiền gửi từ nước ngoài về nhưng bị vướng thủ tục hải quan, hoặc chưa đóng phí vận chuyển, yêu cầu nạn nhân đến ngân hàng để đóng khoản phí này thì hàng và tiền mới chuyển về Việt Nam được. Để các nạn nhân tin tưởng hơn, khi truy cập vào Facebook thì đối tượng đóng vai người nước ngoài sẽ xác nhận thông tin, việc làm của mình là có thật, khoe đầy đủ các chứng từ về hải quan, thuế, thậm chí cả hình ảnh về hóa đơn, thùng quà và yêu cầu nạn nhân liên hệ với các đối tượng trong nước đóng phí để nhận hàng và tiền. Nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến để thực hiện hành vi lừa đảo chủ yếu là phụ nữ nhẹ dạ cả tin, dễ bị vướng vào tình cảm vì các đối tượng này thường tự xưng là những doanh nhân giàu có, lãnh đạo của các công ty lớn… Vụ việc trên là lời cảnh báo mọi người cần thận trọng khi sử dụng mạng xã hội kết bạn, chia sẻ thông tin, đặc biệt phải thận trọng bảo mật thông tin cá nhân và cảnh giác với những thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo của kẻ xấu để tránh bị các đối tượng lợi dụng.

Trường Minh
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.