Multimedia Đọc Báo in

Trận Trân Châu Cảng – Đòn đau nhớ đời của lực lượng quân sự Mỹ

15:28, 22/05/2010

Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã lùi vào quá khứ hơn nửa thế kỷ. Nhưng đối với giới quân sự Mỹ thì trận Trân Châu Cảng năm 1941 – hạm đội bí mật của hải quân, không quân Nhật Bản đã tập kích tơi bời căn cứ hải quân Thái Bình Dương của Mỹ – thật sự vẫn còn là một nỗi kinh hoàng, cứ ngỡ như một cơn ác mộng.

Âm mưu đánh úp Trân Châu Cảng của phát xít Nhật đã được chuẩn bị sẵn từ lâu. Sau khi nổ ra cuộc chiến tranh Xô – Đức, Nhật Bản cho rằng thời cơ thành lập “Vùng thịnh vượng chung Đông Á” dưới sự bảo hộ của Nhật đã tới. Vùng này bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Thái Lan, Malaixia, Miến Điện, Philíppin. Nhật mưu toan giành được tài nguyên dầu mỏ, cao su của những nơi này, để xưng hùng xưng bá Thái Bình Dương.
Nhật Bản xâm lược Đông Nam Á, trực tiếp đe dọa lợi ích của Mỹ ở Thái Bình Dương. Vì vậy, bắt đầu từ mùa hè năm 1941, Mỹ – Anh liên kết lại thực hiện cấm vận dầu mỏ đối với Nhật Bản. Sáu trăm vạn tấn dầu mỏ dự trữ của Nhật ngày một vơi dần. Không có dầu mỏ, tác chiến của quân đội Nhật sẽ lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Để giải quyết vấn đề dầu mỏ, Nhật – Mỹ đã tiến hành đàm phán nhưng chẳng có hy vọng gì thỏa thuận được. Vì vậy, Nhật quyết định tạm dừng “Bắc tiến” (tức đánh Liên Xô) mà coi “Nam tiến” (tức là chiếm Đông Dương, các nước Đông Nam Á, tước đoạt tài nguyên dầu mỏ) là mục tiêu chính.
Tuy nhiên, quần đảo Hawai chặn đường Nam tiến của Nhật, khi ấy đang có hạm đội hùng mạnh của Mỹ đóng tại đây. Vì vậy, Thiên hoàng ra lệnh cho Tư lệnh hạm đội Nhật Bản, Yamamôtô Isoruki, bí mật xây dựng kế hoạch vượt trùng dương đánh úp Trân Châu Cảng, đồng thời quyết định để Trung tướng hải quân Nagumô chỉ huy hạm đội hoàn thành nhiệm vụ này.
Sau đó, cùng một lúc, Nhật đi hai “nước cờ” khác nhau:
Về ngoại giao, để mê hoặc Mỹ, Nhật cử đại sứ Reisei đến nước Mỹ tung hỏa mù “hòa đàm”, lớn tiếng nói “Nhật Bản và Mỹ không có bất kỳ lý do nào để đánh nhau…”.
Cùng với hoạt động ngoại giao, Nhật Bản khẩn trương chuẩn bị đánh úp Trân Châu Cảng.
Yamamôtô giao cho đại tá Minôbi tổ chức huấn luyện bí mật các phi công của hải quân để thực hiện các nhiệm vụ tác chiến. Quân Nhật cho sơ tán toàn bộ dân cư trên đảo Xiôcu, một đảo có hình dáng bên ngoài giống đảo Oahu ở Hawai, nơi là căn cứ hạm đội hải quân Thái Bình Dương của Mỹ và xây dựng trên đảo này mô hình bến tàu Trân Châu Cảng với tất cả nhà cửa, kho tàng, các trạm xăng dầu nằm lân cận để tập trận suốt hai năm liền. Trong hai năm luyện tập này, Nhật đã mất 300 máy bay do thời tiết xấu và do trình độ các phi công còn rất tồi.
Lúc 7 giờ 49 phút ngày 7-12-1941, Nhật Bản tập kích căn cứ hải quân Trân Châu Cảng.
Trận tập kích của Nhật được mang mật danh “Chiến dịch Z”, chia làm hai đợt. Đợt một bắt đầu từ 7 giờ 49 phút. Chiếc máy bay đầu tiên là của Tổng chỉ huy Nakasa, phía sau là 49 máy bay ném bom tầm thấp, 40 máy bay phóng ngư lôi, 51 máy bay xung kích và 43 máy bay chiến đấu kiểm soát không trung. Đợt hai, từ 8 giờ 40 phút với 171 máy bay, công kích tới 9 giờ 15 phút thì rút hoàn toàn khỏi bầu trời Trân Châu Cảng. Tổng cộng thời gian tập kích hai đợt kéo dài trong 1 giờ 50 phút.
Căn cứ hải quân Thái Bình Dương bị đánh vỗ mặt, tổn thất hết sức nặng nề: 4 tàu chủ lực, 2 tàu khu trục, 2 tàu hộ tống bị đánh đắm; 4 tàu chủ lực, 3 tàu tuần dương hạm nhẹ, 1 tàu khu trục và 2 tàu hộ tống bị hư hại nặng, 188 máy bay bị phá hủy. Tổn thất nhân mạng lên đến 4500 người.
Nhật bị tổn thất: 28 máy bay bị hạ, 74 máy bay bị thương, 1 tàu ngầm cỡ lớn và 5 tàu ngầm cỡ nhỏ bị đánh chìm.
Nhật Bản đánh úp Chân Châu Cảng và tuyên bố chiến tranh tại Thái Bình Dương. Ngày 8-12, Mỹ và Anh tuyên chiến với Nhật. Tổng thống Rudơven kêu gọi dân Mỹ: “Phải nhớ lấy những ngày tháng vô cùng nhục nhã này!”.
Có hai nguyên nhân rất đáng chú ý để đưa tới thắng lợi của người Nhật: quân Nhật đã giáng đòn tiến công tuyệt đối bất ngờ và hệ thống thông tin của Mỹ tỏ ra hết sức kém hiệu lực.
Người Nhật âm thầm chuẩn bị cho một chiến dịch quy mô, kéo dài trong hai ba năm mà mạng lưới tình báo của Mỹ không hề phát hiện một chi tiết nào. Người Nhật cũng rất thành công với các mánh khóe đánh lừa đối phương, nhất là trên lĩnh vực vô tuyến điện, làm cho người Mỹ điên đầu, không phân biệt được các bức điện giả, các bức điện nghi binh của Nhật phát ra. Mấy ngày trước khi nổ ra vụ tập kích, tình báo Mỹ đã báo về Oasinhtơn là ở ngoại ô thủ đô Nhật có nhiều lính thủy đang nghỉ phép, vậy chắc chắn các tàu chiến của Nhật đang cắm neo tại căn cứ ở Iôcôxuaca. Tình báo Mỹ đã lầm to, không có một lính thủy nào của Nhật đang nghỉ phép cả. Ở ngoại ô Tôkiô chỉ có rất đông người Nhật mặc áo lính thủy giả làm lính thủy.
Trong lúc đó, từ rất lâu trước khi bắt đầu thế chiến thứ hai, người Nhật đã chuẩn bị sẵn mạng lưới điệp viên của mình và gài vào nhiều nước. Họ nắm rất chắc nội tình Mỹ ở Hawai. Phi công Nhật biết chính xác những hạm tàu mà họ có nhiệm vụ đánh đắm hiện đang nằm ở chỗ nào trên đảo. Họ biết cả chuyện các thủy thủ Mỹ thường tiêu khiển ra sao trong các ngày nghỉ cuối tuần, lính Mỹ sống ở đâu, lúc nào trở về tàu và trong số các sĩ quan thì ai thường đến thăm ai…
Với hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, sáng sớm ngày 7, đài phát thanh Hônôlulu nổi nhạc, lính thủy chuẩn bị lên bong tàu để chào cờ. Hai tân binh phát hiện trên màn hình ra-đa có một đoàn máy bay đang bay về phía đảo. Sĩ quan trực ban sau khi nghe báo cáo đã cười nhạo và bảo “đừng có nhiễu sự”. Khi bom đã nổ tứ phía, lính Mỹ đều coi đây là “buổi diễn tập đặc biệt”, bởi sáng sớm đó có một đoàn máy bay B17 từ Mỹ bay tới. Khi hạm đội Thái Bình Dương hoàn hồn thì chỉ còn một việc… ráng chịu đòn. Quả thật, trận Trân Châu Cảng là đòn đau nhớ đời của lực lượng quân đội Mỹ.

 

Nguyễn Trúc

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.