Đào Tấn - một vị quan thanh liêm, nhà soạn Tuồng xuất sắc
Là người làm quan dưới ba triều vua (Tự Đức – Đồng Khánh – Thành Thái) và rất được các vị vua này sủng ái nhưng Đào Tấn luôn đau đáu với cái khổ, cái nhục, cái thẹn của những người làm quan. Trong bài thơ “Viết tình cờ”, ông căn dặn các con: “Các con chưa tỏ sự đời/ Lợi danh đâu phải phận người văn chương/ Phong trần cha đã ê xương/ Chớ chen vào chốn quan trường mà chi”. Dưới con mắt của ông, quan trường thời ấy là chốn ô trọc, sâu mọt, bụi bặm, là nơi “nhân tình bạc tựa thu vân”, nơi “ô khóa lợi xiềng danh luôn trói chặt”. Thấu hiểu những ê chề cay đắng của người làm quan dưới thời lộng hành của lũ sâu dân, mọt nước, thời của những đọa lạc, nhưng Đào Tấn - con người luôn “thậm cảm hưng vong chuyện nước nhà” vẫn ở lại làm quan giúp vua, giúp nước. Có thể nói, tinh thần dân tộc bất khuất, ý chí tự cường mạnh mẽ của vị vua trẻ Thành Thái có ảnh hưởng lớn của người cận thần thân tín - Đào Tấn. Bởi vậy mà người đương thời đã gọi Đào Tấn là “Kẻ ở ẩn tại triều”.
Đào Tấn nổi tiếng là một người thanh liêm và công bằng. Dưới thời Tự Đức, ông được vua ban tặng các danh hiệu “thanh, thận, cần” (trong sạch, thận trọng, chuyên cần) và “bất úy cường ngự” (không sợ uy vua). Tiếp kiến Đào Tấn tại dinh Tổng đốc ở Vinh năm 1902 (thời Thành Thái), Gosselin, một võ quan cao cấp người Pháp đã phải ghi nhận “Một đời tận tụy trong nhiều chức vụ quan trọng, nhưng Đào Tấn vẫn tay trắng thanh bần. Bấy nhiêu ấy đủ thơm danh hậu thế và làm cho đại nhân vượt lên trên hẳn nhiều đồng liêu khác ít được gương mẫu như đại nhân” (L’Empire d’Annam, trang 468, Vương Hồng Sển dịch).
Không chỉ là một vị quan thanh liêm, Đào Tấn còn để lại cho đời một di sản nghệ thuật hết sức phong phú, đồ sộ, hiếm có, ít người sánh kịp. Ông được coi là bậc Hậu Tổ của nghệ thuật Tuồng, người đã đưa nghệ thuật Tuồng lên những đỉnh cao chói lọi, đã sáng tạo nên những kiệt tác sân khấu như “Hộ sanh đàn”, “Cổ thành”, “Trầm hương các”…Những vở tuồng do Đào Tấn soạn thảo và chỉnh lý đều có giá trị và sức hấp dẫn rất lớn. Các vở tuồng đều đậm tính tự sự - trữ tình, đậm chất thơ; gắn với những vấn đề mang ý nghĩa thời sự của đất nước và mở ra hướng tiếp cận cuộc sống hiện thực với những quan niệm gần gũi với nhân dân, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của quần chúng. Văn tuồng hiện đại, phá vỡ khuôn mẫu ước lệ công thức trong kết cấu kịch bản cũng như mang lại tính sinh động cho vở diễn. Tính bi kịch của tuồng cổ được xử lý mềm mại tinh tế, đan xen cả yếu tố hài kịch, nâng lên thành cái hài tư tưởng. Ông chú trọng xây dựng tính cách nhân vật, “thổi hồn” vào trong những nhân vật, tạo thành những hình tượng bất hủ. Có thể nói, đây là kho tư liệu quí báu không chỉ ở giá trị nội dung mới mẻ mà còn ở giá trị nghệ thuật mẫu mực. Nhiều vở tuồng của Đào Tấn đã được khai thác, phục dựng vẫn hấp dẫn lớp công chúng hiện nay. Trong đó, “Trầm Hương các” (Gác Trầm Hương) luôn được các nhà nghiên cứu, những người yêu tuồng đánh giá cao vì tính cách tân táo bạo trong nội dung và nghệ thuật, sức sáng tạo dồi dào mang dấu ấn tư tưởng Đào Tấn rõ nét. Mượn lịch sử Trung Hoa để phản ánh chính triều đại nhà Nguyễn đương thời, qua “Trầm Hương các”, Đào Tấn đã lồng vào câu chuyện liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc bằng suy tư của một kẻ sĩ đầy trách nhiệm trước thời cuộc.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Đào Tấn có công trong hoàn thiện âm nhạc tuồng, hệ thống các vấn đề mỹ thuật sân khấu tuồng như trang trí, trang phục đến đạo cụ. Đào Tấn còn sáng tác khá nhiều tác phẩm văn thơ như: Mộng Mai thi tồn, Mộng Mai tử lục, Mộng Mai ngâm thảo, Mộng Mai văn sao viết bằng chữ Hán... (Mộng Mai là một trong những bút hiệu ông hay dùng). Năm 1904, vì chống đối với đại thần Nguyễn Thân, Đào Tấn bị cách chức rồi lui về quê nhà ở ẩn. Ông mất ngày 23-8-1907.
Nguyễn Thị Thọ
Ý kiến bạn đọc