Âm vang tiếng đàn tâm bét alui của người Cơ Tu
Cây đàn tâm bét alui - một nhạc cụ độc đáo của đồng bào Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam, thường được sử dụng vào dịp tết, lễ hội truyền thống của làng hay trong những đêm tâm tình của các đôi trai gái.
Vào những đêm trăng sáng, các chàng trai, cô gái Cơ Tu thường ngồi quây quần bên bếp lửa của gươl làng (ngôi nhà làng truyền thống). Những chàng trai cầm đàn tâm bét alui đánh lên những bản nhạc dặt dìu, réo rắt; các cô gái ngồi lắng nghe hoặc hát theo nhịp đàn. Cứ thế cho đến khi gà trong bản cất tiếng gáy vang, báo hiệu một ngày mới lại về trên vùng Trường Sơn thì họ mới chịu chia tay nhau ra về.
Đàn tâm bét alui của người Cơ Tu có cấu tạo đơn giản. Thân đàn là loại cây nứa, khi chọn phải là cây thẳng đem về để chỗ râm mát cho khô đều rồi gác lên giàn bếp hun khói thêm màu vàng và giúp khỏi mối mọt. Hộp đàn phải chọn những quả bầu tròn, già, vỏ mỏng không to quá cũng không nhỏ quá. Quả bầu tươi thu về được cắt bỏ phần núm, róc hết phần ruột bên trong, quả nào còn cứng thì dùng, mềm là bỏ. Bầu được cắt và xử lý bằng nước sôi, sau đó đem phơi thật khô, ngâm nước vôi 3 tháng để chống mối mọt và được cắt theo kích thước hợp với thân đàn. Miệng bầu phải rộng mới đánh ra âm thanh vang. Đối với cây đàn tâm bét alui, quan trọng nhất là hộp đàn bởi đó là một trong những yếu tố quyết định tạo nên âm thanh chuẩn của đàn. Để làm một cây đàn tâm bét alui có âm thanh tốt, nếu chuẩn bị hết mọi công đoạn và làm liên tục thì phải mất 2 ngày mới có thể hoàn thành một cây đàn ưng ý. Tuy nhiên, nguyên liệu để làm nó phải chuẩn bị rất công phu, nhất là hộp đàn thường phải đi tìm ở các thôn bản vùng cao, mỗi giàn bầu chỉ chọn được vài quả.
Anh Alăng Đợi, thôn Gừng, thị trấn P'rao, huyện Đông Giang (Quảng Nam) chơi đàn tâm bét alui. |
Với người Cơ Tu, âm nhạc một phần nói lên sự giàu có, niềm kiêu hãnh và mang đậm bản sắc dân tộc trong đời sống văn hóa cộng đồng. Ngày trước tiếng đàn tâm bét alui đã theo chân các chàng trai, cô gái Cơ Tu đi lên nương rẫy. Tiếng đàn tâm bét alui âm vang trong lễ mừng lúa mới, các lễ hội của buôn làng, là lời tâm tình của chàng trai gửi đến cô gái mà mình yêu thương để giãi bày, bộc bạch trong những đêm trăng. Âm thanh của đàn tâm bét alui mang tính gắn kết cộng đồng mạnh mẽ, mang đến niềm vui, sự hứng khởi và không khí lễ hội cho buôn làng. Âm thanh của đàn tâm bét alui cũng hiền lành, chất phác như những người con của Cơ Tu sinh sống lâu đời trên dãy Trường Sơn, nhưng ẩn chứa trong đó sự cuốn hút đầy mê hoặc.
Đàn tâm bét alui không đơn thuần là một loại nhạc cụ truyền thống mà còn được xem là một vật chứa đựng giá trị về vật chất cũng như tinh thần, mang ý nghĩa thiêng liêng trong sinh hoạt tín ngưỡng, là biểu hiện những đặc trưng cơ bản truyền thống văn hóa người Cơ Tu tồn tại từ bao đời nay.
Văn Gia Phúc
Ý kiến bạn đọc