Multimedia Đọc Báo in

Chân dung nghệ sĩ

Luôn mang theo ký ức quê nhà

12:44, 13/01/2018

Dù ở đâu và làm gì, thì ký ức quê nhà luôn lắng đọng trong tâm tưởng bao người. Có thể nói hành trang ấy là năng lượng sống, nâng đỡ và vỗ về ta trên những chặng đường. Tâm sự này của nhạc sĩ Y Phôn Ksor và họa sĩ Y Nhi Ksor khiến bất kỳ ai cũng nhận ra và chia sẻ với họ qua sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mỗi người.

Y Phôn - Nhạc sĩ “chân trần”      

 Y Phôn Ksor thì mê âm nhạc từ lúc mới lên 5-6 tuổi, khi theo cha đem chiêng đi diễn tấu khắp vùng. Và cũng từ âm thanh thiêng liêng, ma mị ấy cùng với vốn dân ca, âm nhạc sâu lắng của dân tộc mình mà anh cảm được từ các Amí, Ama trong làng đã gieo vào lòng Y Phôn Ksor những khuôn nhạc ban đầu. Lớn lên, anh theo học Khoa Sáng tác âm nhạc Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk (nay là Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk), sau đó được phân về giữ một chân nhạc công trong Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh vào nhưng năm 80 của thế kỷ trước. Những năm tháng khó khăn ấy, buộc người nghệ sĩ này phải tranh thủ lúc rảnh rỗi về quê làm rẫy phụ giúp gia đình kiếm sống. Khoảng thời gian đó, dấu chân Y Phôn cùng cha in khắp vùng cao nguyên Dliê Yang - quê xứ của tổ tiên, ông cha sinh sống bao đời. Từng dáng núi, bóng cây, dòng sông, ngọn thác, vuông đất và đặc biệt là cuộc sống còn lam lũ, cơ hàn của người dân ở vùng quê nghèo ấy đã làm Y Phôn bật khóc. Những giọt nước mắt chảy ngược vào lồng ngực, nơi có con tim của người nghệ sĩ Y Phôn vốn đa cảm và giàu thổn thức để hóa thành lời và giai điệu lấp lánh, thiết tha.

                  Nhạc sĩ Y Phôn Ksor.
Nhạc sĩ Y Phôn Ksor.

“Cô gái trở về một mình” là ca khúc đầu tiên anh viết trong hoàn cảnh đáng nhớ ấy: “Cô gái trở về một mình, về với ngọn núi xa xăm/ Cô gái trở về một mình, về với dòng thác xô bờ/ Cô gái cúi đầu bằng giọt nước mắt, đôi tay trần đếm từng sợi tóc, ánh mắt nhìn cánh chim bay”. Người nghe ca khúc này sẽ cảm thấy mênh mang, sau đó có cảm giác cô quạnh và tất nhiên là quá buồn nếu như không được nghe Y Phôn có lần tâm sự: Cô gái ấy chính là tôi đã trở về đúng nghĩa với thân phận của mình - đẹp và hoang sơ đến vô cùng. Đến ca khúc “Hoang sơ lời kể khan” thì bản nguyên hoang sơ ấy đã chạm tới cội nguồn: “Một chiều vầng trăng trên đồi cao/ Từng chiều đàn goong mong chờ nhau/ Nhà sàn mông lung bên suối mát, rượu cần say mê theo câu hát…” - Y Phôn nói vậy và thầm cảm ơn quê hương, xứ sở của mình đã cho anh nhiều cảm xúc để làm nên những ca khúc để đời như: “Chim Phí bay về cội nguồn”: “Mẹ trồng cây che gió đưa/Mẹ trồng cây che gió mưa /Chim Phí bay ngang qua bầu trời/ Chim Phí vẫn bay về cội nguồn…”, hay “Đi tìm lời ru mặt trời” bằng tâm thế sống chan chứa tình yêu: “Hát giữa mọi người không ngại ngần/ Lời hát nữ thần mặt trời, nữ thần mặt trời của tôi/ Tôi đi tìm em…”.

Từ “Cô gái trở về một mình”, “Hoang sơ lời kể khan”, “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Chim phí bay về cội nguồn”, “Tak tà đêm trăng” “Dấu chân trần”, “Ngổn ngang buồn” và “Tiếng Ching giao mùa”… đã làm nên tên tuổi Y Phôn Ksor trong lòng người yêu âm nhạc từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay. Và có lẽ mai này nữa, những ca khúc ấy vẫn luôn chiếm giữ vị trí xứng đáng trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam đương đại.

Y Nhi với màu đất đỏ quê hương

Còn với Y Nhi Ksor - cũng từ cái buôn Sek nghèo khó ấy ra đi, dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, người họa sĩ này chưa bao giờ nguôi ngoai màu đất đỏ quê nhà. Y Nhi đã có lần tự bạch: Màu đất quê nhà là “toan vải” đầu tiên trong đời, giúp anh vẽ lên đó những gì từng ấp ủ: là chim chóc, cây cỏ, núi rừng và cả những khuôn mặt thân quen, gần gũi nhất của mình từ khi còn là cậu bé ngây thơ.

Họa sĩ Y Nhi thăm Trường Sa vào tháng 11-2017.
Họa sĩ Y Nhi thăm Trường Sa vào tháng 11-2017.

 

Cả hai nghệ sĩ đều mang họ Ksor, cùng sinh ra và lớn lên ở buôn Sek (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo). Cái buôn nghèo nằm dưới chân ngọn núi kia là “chiếc nôi” nuôi dưỡng nhân cách và tâm hồn của hai nghệ sĩ người dân tộc Êđê Krung.

Sau này, khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Huế (năm 1981), Y Nhi càng có điều kiện phát triển phong cách hội họa rất riêng của mình dựa trên kiến thức đã học, kết hợp với đời sống sinh hoạt giàu bản sắc của cộng đồng người Êđê, trong đó bản thân anh là một phần không thể thiếu. Y Nhi  bảo những lễ hội được mở ra, cùng lời kể khan của người già trong buôn cất lên và nối dài từ con trăng này đến con trăng khác đã bồi đắp tâm hồn anh lớn lên và đầy đặn thêm để thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình. Từ những năm 1998-2002, họa sỹ Y Nhi Ksor đã cho ra mắt những tác phẩm đầu tay: “Mùa tra hạt”, “Hội làng”, “Rượu mừng”, “Đi dự hội”... được giới hội họa đương đại chú ý và đánh giá cao. Phải thừa nhận rằng Y Nhi vẽ không nhiều, nhưng tranh của anh được nhiều người yêu thích, nhất là tranh sơn dầu nhờ tính cách mạnh mẽ và gân guốc của nó. Trong giai đoạn sáng tạo này, phải kể đến tác phẩm “Đi dự hội” được anh dày công hoàn thành trong năm 2000 và đó cũng là “cột mốc” đáng nhớ đưa Y Nhi Ksor bước vào hàng ngũ hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Thành Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: Tác phẩm “Đi dự hội” của Y Nhi Ksor xứng đáng giành một vị trí trang trọng trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và được xem như kiểu mẫu để những ai yêu hội họa lấy đó làm thực hành cho sự đam mê nghệ thuật của mình. Đó cũng là lý do để cắt nghĩa vì sao tác phẩm “Đi dự hội” của anh được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại và Nhà xuất bản Giáo dục tuyển chọn in vào sách thực hành Mỹ thuật cho học sinh lớp 9 hiện nay.

Tác phẩm
Tác phẩm "Đi dự hội" của họa sĩ Y Nhi Ksor.

Cuối năm 2017 vừa qua, tác phẩm “Mùa tra hạt” của Y Nhi Ksor được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng mua lại để trưng bày, giới thiệu đến công chúng như “đại diện” tiêu biểu cho phong cách hội họa chân thật và cổ điển. Từ năm 2005 đến nay, dù bận rộn với công tác quản lý và giảng dạy tại Khoa Mỹ thuật - Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk, nhưng Y Nhi Ksor vẫn đều đặn ra mắt nhiều tác phẩm hội họa có chất lượng: “Lễ trao vòng”, “Hội xoang Aráp”, “Múa hội”, “Bình minh trên buôn” rồi gần đây là “Bốn mùa”…Tất cả những tác phẩm trên của Y Nhi đều mang phong cách rất riêng, từ bố cục mảng miếng, đến phối trộn sắc màu. Phong cách ấy, nói như anh là bắt đầu từ ký ức thương nhớ quê nhà, bởi vậy khi căng toan lên giá vẽ, màu đất đỏ lại ùa về - và đó cũng chính là gam màu chủ đạo trong tranh của anh. 

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.