Multimedia Đọc Báo in

Người "nối" dài tiếng chiêng ngân...

06:31, 14/01/2018

Khi tiếng chiêng đang dần thưa vắng, thì trong ngôi nhà sàn ở buôn M’duk, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), tiếng chiêng từ lớp học do nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm truyền dạy vẫn đều đặn vang lên...

Nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm bắt đầu dạy chiêng từ năm 2002, khi ấy lớp chiêng trẻ của buôn M’duk chuẩn bị khai giảng nhưng không tìm được nghệ nhân. Vì không muốn con trẻ bỏ lỡ cơ hội học chiêng, ông liền đăng ký với đơn vị tổ chức để được đứng lớp. Kết thúc khóa học, phần lớn học viên lớp chiêng buôn M’duk đã biểu diễn thuần thục những bài chiêng cơ bản với kết quả vượt trội hơn hẳn những lớp chiêng được tổ chức cùng thời điểm. Vậy là từ đó, nghiệp truyền dạy chiêng gắn bó với ông, đưa ông đi khắp các buôn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và nhiều địa phương lân cận.

Trong suốt gần 15 năm qua, ông không thể nhớ hết mình đã dạy bao nhiêu lớp chiêng cho thanh thiếu nhi. Việc truyền dạy chiêng chủ yếu bằng lời nói và cảm nhận chứ không hề có một sách vở nào hướng dẫn cho nên ông đem hết tâm huyết, niềm say mê để dạy cho học trò, và xem đó như là sứ mệnh của người giữ lửa. Ngay cả ông cũng không mô tả được cách dạy của mình có gì đặc biệt mà đa số học trò qua lớp của ông đều có thể hiểu, ghi nhớ và biểu diễn thành thục. Chỉ đơn giản là ông kiên nhẫn, lớp học của ông vì vậy không bao giờ có tiếng la mắng. Nếu học trò chưa hiểu, ông kiên trì giải thích, cầm tay từng em để dạy cách đánh cho đúng âm, đến chừng nào hòa nhịp được mới thôi. Ông còn tự tìm cách cụ thể hóa các tiết tấu bằng những ký hiệu riêng, vẽ lên bảng cho các trò dễ hình dung.

 Lớp  chiêng trẻ của  nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm  ở buôn M'duk.
Lớp chiêng trẻ của nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm ở buôn M'duk.

Ông Y Hiu chia sẻ, mỗi lớp truyền dạy chiêng tại các buôn khoảng 2 – 3 tháng, ông chỉ có thể truyền dạy cho các em những kỹ năng cơ bản nhất. Thời gian học tập ít ỏi, trong khi đó diễn tấu chiêng không thể đánh riêng lẻ mà phải đánh theo đội; các tiết tấu, nhịp điệu của từng chiếc chiêng phải cộng hưởng nhịp nhàng, ăn khớp với nhau. Khó khăn là vậy nhưng được thầy truyền lửa, các em đã miệt mài cố gắng tập luyện từ những bài cơ bản đến nâng cao. Đến nay, các em thiếu nhi trong đội chiêng của buôn đã khá thuần thục, tự tin hòa nhịp cùng tiếng chiêng của các nghệ nhân trong những lễ cúng sức khỏe, đám cưới, đám ma…

Không chỉ là người biết diễn tấu và chế tác nhiều loại nhạc cụ của dân tộc Êđê, nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm là người có khả năng truyền cảm hứng, thổi vào các em niềm đam mê cồng chiêng cũng như các loại nhạc cụ dân tộc – điều mà không phải nghệ nhân nào cũng làm được. Đau đáu với những mất còn của những giá trị truyền thống trước áp lực của cuộc sống đô thị, ông còn ấp ủ dự định dạy các em biểu diễn các loại nhạc cụ khác như đàn gong, đing năm, đing puôt. Nhiều phụ huynh tìm đến ngỏ ý trả thù lao, ông đều từ chối. Bởi niềm vui, hạnh  phúc lớn nhất của ông chỉ đơn giản nhìn thấy sự trưởng thành của các em trong từng tiếng cồng chiêng qua những mùa lễ hội của buôn làng... 

Lê Hương – Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.