Chân dung nghệ sĩ
Người đam mê nhạc cụ truyền thống
Vì đam mê nên đã thôi thúc nghệ sĩ Nguyễn Đức bỏ công sức và cả tiền bạc để nghiên cứu, tìm hiểu, chế tác cũng như phục hồi lại nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người M’nông, Êđê, Ja rai… trước nguy cơ mai một và thất truyền trong đời sống hiện nay.
Tìm lại những gì đã mất
Nghệ sĩ Nguyễn Đức tâm sự: Đọc cuốn sách “Nhạc cụ dân gian Êđê, M’nông ở Đắk Lắk” do Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân tặng, trong đó có câu “một số loại nhạc cụ cổ xưa của người M’nông Rlăm, M’nông Gar, M’nông Kuênh như sáo Wao, Mblo Dơng, Mblô Dít đang đứng trước nguy cơ biến mất trong đời sống cộng đồng…” khiến mình lưu tâm và cảm thấy chạnh lòng. Thế là mình mày mò, nghiên cứu và chế tác các loại nhạc cụ này theo khảo tả của tác giả Vũ Lân.
Cái khó nhất trong quá trình chế tác là làm sao tạo được độ rung quá ư tinh tế của từng lưỡi gà (hay còn gọi là lam) gắn lên đầu ống thổi của mỗi loại sáo. Đây được xem là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của nghệ nhân khi chế tác các loại nhạc cụ trên. Vì thế, anh tìm đến một số nghệ nhân nổi tiếng như Y Míp Ayun, Ama H’Loan ở TP. Buôn Ma Thuột, cũng như nhiều người có kinh nghiệm khác ở tỉnh Đắk Nông để học hỏi và tham vấn. Phải mất cả năm trời, nghệ sĩ Nguyễn Đức mới hoàn thiện được chi tiết lưỡi gà đúng chuẩn thang âm, điệu thức cho 3 loại sáo cổ truyền này của người M’nông. Sau đó đem tặng cho Bảo tàng Đắk Lắk để trưng bày, giới thiệu đến với công chúng.
Nghệ sĩ Nguyễn Đức giới thiệu các loại nhạc cụ tại xưởng chế tác của mình. |
Theo anh, một trong những nguyên nhân khiến các loại nhạc cụ ấy đứng trước nguy cơ thất truyền cũng từ “bí quyết lưỡi gà” mà ra - nó quá ư tinh tế và nhạy cảm. Chỉ có những người mang đầy đủ tâm hồn, gương mặt chân thật của mỗi cộng đồng, dân tộc mới tạo ra được, nếu không sẽ bị lẫn lộn giữa bản sắc văn hóa này với bản sắc văn hóa khác. Nghệ sĩ Nguyễn Đức diễn giải: Đặc biệt là sáo Mblô Dơng, Mblô Dít - mới nhìn qua cũng giống như ống tiêu của người Việt, nhưng khác nhau ở chỗ đặt môi để thổi. Tiêu thì thổi trực tiếp vào đầu miệng ống, còn hai loại sáo kia của người M’nông thì phải thổi qua vòm lưỡi gà (làm bằng mảnh cật tre), rồi mới đổ hơi vào lòng ống. Vì thế, tùy thuộc vào độ rung của lưỡi gà khi dùng hơi để tác động mà cho ra âm thanh mỏng hay dày; còn trường độ cao thấp, ngắn dài không quan trọng, điều đó phụ thuộc vào kỹ năng trình diễn của mỗi người. Chính sự độc đáo đó của sáo Mblô Dơng, Mblô Dít đã chuyên chở mọi trạng thái, cảm xúc của con người đi xa hơn và phong phú hơn. Nhất là trong đêm khuya, lúc người già Ót N’rông (kể sử thi), tiếng sáo ấy là âm thanh sống động góp phần làm cho câu chuyện kể thêm hấp dẫn và khơi gợi…
Sáng tạo thêm những giá trị mới
Bên cạnh việc phục dựng, bảo tồn các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc của người Tây Nguyên, nghệ sĩ Nguyễn Đức còn sáng tạo nên những giá trị mới, phục vụ cho quá trình diễn xướng của nghệ nhân trở nên tiện ích và sinh động hơn.
Biểu diễn và so sánh tiện ích giữa Ching Kram truyền thống và Ching Kram do nghệ sĩ Nguyễn Đức cải tiến, sáng tạo. |
Chẳng hạn như Ching Kram (chiêng tre), khi diễn tấu thì mỗi người mỗi chiêng, kẹp thêm phía dưới đùi một ống tre cộng hưởng để hòa nhịp. Cứ thế, họ ngồi yên một chỗ để đánh mà không hề thay đổi được vị trí. Điều đó, theo nghệ sĩ Nguyễn Đức là quá cứng nhắc và bó hẹp trong không gian biểu diễn nhất định, khiến người thưởng thức có cảm giác đơn điệu, nhàm chán. Anh khắc phục hạn chế này bằng cách gộp cả hai (chiêng và ống cộng hưởng) lại thành một để diễn tấu dưới hình thức mới: thanh chiêng và ống cộng hưởng được kết nối song song với nhau trên bộ khung bằng tre, có chức năng vừa nâng đỡ dàn chiêng, vừa là tay cầm nâng lên hay đặt xuống tùy thích để diễn tấu. Với cách thức này, nghệ nhân chơi Ching Kram tha hồ tung hứng, nhảy múa trong khi trình diễn trong bất kỳ không gian nào.
Nghệ sĩ Nguyễn Đức
|
Nghệ sĩ Nguyễn Đức chân tình rằng, Ching Kram cổ truyền của người Êđê đã từng được nhiều người cải tiến và sáng tạo. Đầu tiên là Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, rồi đến nghệ nhân Trương Ân (Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk) - họ đều gộp thanh chiêng và ống cộng hưởng thành một dàn để diễn tấu trên nguyên tắc (mỗi chiêng tương ứng mỗi ống cộng hưởng) theo chiều thẳng đứng, nhằm khuếch đại âm thanh cho loại chiêng tre này vang rền hơn. Cũng trên nguyên tắc ấy, anh chỉ thay đổi lại một chút cấu trúc, hình thức của nó là không để ống cộng hưởng theo chiều thẳng đứng nữa, mà đặt nó song song với thanh chiêng, trên đó khoét một đoạn (dài ngắn tùy theo kích cỡ tương ứng với thanh chiêng) để nhận âm và khuếch âm sao cho hiệu quả hơn.
Sáng tạo này, một lần nữa được nhiều người khen ngợi và đón nhận vì hiệu quả âm nhạc, cũng như nghệ thuật diễn xướng mà nó mang lại. Nghệ sĩ Nhân dân Y Sanh Alêô - Trưởng đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk đánh giá: Nguyễn Đức đã góp phần mở đường đưa Ching Kram đi xa hơn và mới mẻ bước ra hòa điệu với những loại hình âm nhạc khác trong mọi sân khấu biểu diễn - từ truyền thống cho đến hiện đại, từ trong buôn làng bình dị ra tận sàn diễn nghệ thuật khắp nơi. Nếu kịp thời gian, Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk sẽ tập dượt dàn chiêng cải tiến của anh để mang đi trình diễn tại Hàn Quốc nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Hàn vào cuối tháng 9-2018, để cho bạn bè quốc tế thưởng thức và hiểu thêm vốn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Nghệ sĩ Nguyễn Đức tỏ ra vui mừng trước điều đó, vì niềm đam mê của mình đã được mọi người trân trọng chia sẻ. Trong khu vườn xanh mướt hoa lá, bên cạnh ngôi nhà nhỏ xinh (thôn 5, xã Hòa Thuận – TP. Buôn Ma Thuột), anh chỉ tay về phía chất đầy tre nứa đủ kích cỡ mà thổ lộ: Gần 10 năm qua, sau khi xin nghỉ công tác từ Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk, suốt ngày anh chú tâm vào việc cưa, đục, mài, giũa những ống nứa tưởng chừng vô tri kia trở thành những kèn, đàn, sáo… để đưa vốn âm nhạc dân gian của các tộc người Tây Nguyên vang xa hơn và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong lòng công chúng.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc