Nhiếp ảnh gia người Pháp và những bức ảnh voi ở kinh thành Huế
Trong các triều đại phong kiến, voi được sử dụng phổ biến ở chốn cung đình. Đến thời Nguyễn, voi được dùng chủ yếu cho mục đích quân sự.
Dưới triều Minh Mạng, nước ta có đội tượng binh gồm 500 con voi, riêng ở kinh thành Huế 150 con làm nhiệm vụ bảo vệ kinh thành, gọi là Kinh vệ tượng. Nhiều voi được đeo các món trang sức quý, phủ bành bằng vải màu vàng, thêu hình viên long rất đẹp... để vua ngự. Trong các lễ hội cung đình, voi thường đi trước đoàn diễu hành thể hiệu uy quyền và sức mạnh. Trong số các nhiếp ảnh gia người Pháp chụp về kinh thành Huế thì Pierre-Marie Alexis Dieulefils (1862 - 1937) là người chụp nhiều bức ảnh đặc sắc về voi.
Nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils. |
Bức ảnh nổi tiếng in trên bưu thiếp, được nhiều người sưu tầm ảnh xưa lưu tâm chụp đoàn voi ở Viện cơ mật. Dinh tam tòa, trụ sở của Viện cơ mật, nằm phía đông nam kinh thành Huế, gần cửa Thượng tứ. Các quan Cơ mật đại thần (tương đương Bộ Chính trị bây giờ) thường di chuyển bằng voi. Trong ảnh là các tượng binh đang phủ phục trước dinh để nghênh đón các quan đại thần. Bức ảnh này đã làm cho nhiều người chơi bưu ảnh rất thích thú vì vẻ đẹp của kiến trúc và nhiều con voi xếp thành đội hình trông rất bề thế. Từ bức ảnh đen trắng của Pierre Dieulefils in trên bưu thiếp đã được người chơi ảnh sưu tầm và phục chế ra thành nhiều “phiên bản màu” khác nhau in bưu thiếp mới, đưa vào các công trình sách ảnh, biên khảo “xưa và nay”, phóng lớn để trưng bày ở các bảo tàng, di tích tại Huế.
Bộ ảnh voi ở Hổ quyền của tác giả Pierre Dieulefils cũng là những di sản tư liệu “độc nhất vô nhị” vì nó là những hình ảnh quý hiếm, chuyển tải những thông tin lý thú. Theo tư liệu lịch sử, tượng binh ở kinh thành Phú Xuân - Huế không chỉ dùng cho chiến trận, phòng thủ mà còn dùng vào nhiều mục đích khác nhau như tham gia vào các lễ hội cung đình, vua ngự, gia đình hoàng tộc và quan lại vi hành, thăm thú, đi săn, xử tử tù nhân tội phạm… Đặc biệt, vào mùa xuân, vua nhà Nguyễn còn có thú xem voi và hổ thư hùng với nhau. Suốt hơn 70 năm sau khi Hổ quyền được xây dựng, các vua nhà Nguyễn đã tổ chức tại đây hàng chục trận thư hùng voi - hổ. Theo các học giả, đây là đấu trường duy nhất dành cho loài voi và hổ tồn tại ở vùng Đông Nam Á thời phong kiến. Là một trường đấu nổi tiếng thời bấy giờ nên Hổ quyền được sự lưu tâm của một số nhà nhiếp ảnh, họa sĩ ở ngoài nước như Pierre Dieulefils. Ông đã kịp ghi lại những hình ảnh về trường đấu này.
Voi chờ nhà vua vi hành ở Ngọ Môn. Ảnh: Pierre Dieufiles |
Với kho ảnh phong phú của mình về Việt Nam, nhiếp ảnh gia Dieulefils bắt đầu làm bưu thiếp, trình bày phong cảnh, đền đài, nhân vật, thời sự và sinh hoạt của Đông Dương. Từ năm 1902 đến 1925, P.Dieulefils in gần 6.000 bưu thiếp để phát hành, trong đó có cả những bức ảnh không phải do ông chụp. Những bưu ảnh này ngày nay còn tìm thấy ở Paris và Hà Nội. Ông tham dự nhiều cuộc đấu xảo, triển lãm hình ảnh về Đông Dương. Những tác phẩm của ông được giới thiệu lần đầu tiên tại Triển lãm Hoàn cầu Paris năm 1889. Năm 1889, ông đoạt Huy chương Đồng tại Exposition Universelle tại Paris nhờ những bức ảnh chụp tại Đông Dương. Năm 1900 ông đoạt Huy chương Vàng tại Exposition Universelle tại Paris. Năm 1910, ông đoạt Huy chương Vàng tại cuộc đấu xảo quốc tế (l’Exposition Internationale) ở Bruxelles cho sách ảnh: “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ” (Indo-Chine Pittoresque & Monumentale). Bộ ảnh này sau đó được nhà sưu tập ảnh nổi tiếng người Pháp Philippe Chaplain mua và lưu giữ.
Ý kiến bạn đọc